George Clooney: Bậc thầy ẩn sau danh vọng

George Clooney hiểu rõ vị trí của mình trong lòng người hâm mộ, ngay cả khi luôn ẩn mình khỏi những ánh mắt tò mò xung quanh.

Đặc điểm miêu tả đầu tiên về George Clooney là rất dễ gần nhưng cũng rất chuyên nghiệp. Và miêu tả kế đến về tài tử này, là ông không cho ai cơ hội vượt trội hơn mình ở bất kỳ khía cạnh nào.

Nghĩa là, nếu ông không thể nổi tiếng hơn bạn, không quyến rũ hơn bạn, không có vẻ ngoài bảnh bao, lịch thiệp hơn bạn thì ông nhất định phải hơn bạn ở tính cẩn trọng. Dù rằng, người diễn viên chẳng cần phải mang trong mình ý thức cạnh tranh của một vận động viên như thế.

Tuy vậy, ông ít khi đưa ra lời thách thức, để tránh đánh cược thân phận dũng mãnh của một chiến binh trong những cuộc chiến với đối thủ không cân sức. Vậy mà cách đây vài năm, ông đã mất một trong những chú chó của mình vì một con rắn chuông. Ông là người cực kỳ yêu chó. Một dấu hiệu của tình yêu này nằm ngay trên tường phòng khách nhà ông, nơi một bức ảnh chụp nhiều người đàn ông bên những chú chó cưng được đặt ở vị trí trân trọng hơn hẳn những bức ảnh có chữ ký của các vị chức sắc.

Trước đây, tôi đã từng thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn với những người nổi tiếng, nhưng chưa ai đưa ra lời mời đến nhà nói chuyện trực tiếp như George Clooney. Dường như đây là một thiện chí thể hiện sự tin tưởng người khác mà bất kỳ ngôi sao nào cũng nên có.

Khuôn viên bất động sản nhà ông cuốn hút tôi bởi ba gara để xe rộng rãi, khoe khéo ba chiếc xe hoành tráng mà ông cực kỳ yêu quý: một chiếc Lexus màu xám bóng lộn, một chiếc Porsche Carrera màu đen lấp lánh và một chiếc Corvette màu đỏ có mui lưu động. Trong đó, chiếc Corvette là chiếc xe đầu tiên của cả gia đình ông. George đã lớn lên cùng với nó, từ khi bố của ông còn là một phát thanh viên ở đài phát thanh Lexington, Kentucky, cho đến bây giờ, khi ông có thể tự hào để đặt nó vào bộ sưu tập của một dân chơi xe thứ thiệt.

Gần đây, ông đi du lịch nhiều. Và trên thực tế, ông còn làm việc nhiều hơn nữa. Trong một khoảng thời gian dài, ông là ngôi sao của bộ phim “Gravity”, đạo diễn và nam chính trong “The Monuments Men”, nhà sản xuất của “August: Osage County” và đang tham gia quay bộ phim “Tomorrowland” ở Vancouver.

Ông rất giỏi trong việc khiến người khác yêu mến mình và được thừa hưởng khiếu hài hước từ bố mẹ. Ông kể: “Một trong những điều đầu tiên tôi học được khi còn ít tuổi là tạo ra tiếng cười cho người khác. Bố mẹ tôi đều có khiếu hài hước. Bố tôi là một người đàn ông rất vui tính. Nhớ lại thời gian giữa thập niên 60, khi tôi khoảng 7 tuổi, bố mẹ thường mở những bữa tiệc tối. Mà thật ra chỉ đơn giản với kem và cocktails thôi. Rồi bố tôi sẽ kể một câu chuyện có thêm thắt yếu tố khiêu gợi vào cho vui, nhưng không hề tục tĩu. Và tất cả mọi người sẽ cười phá lên, cười vang cả nhà. Những lúc ấy, bố đá xéo chân tôi dưới bàn. Những kỷ niệm như thế, tôi biết mình sẽ luôn mang theo trong cuộc đời.”

George Clooney luôn dành sự biết ơn đặc biệt cho bố, người chỉ bảo ông rõ ràng về mọi thứ, nhắc ông phải biết cân nhắc về hậu quả của một việc trước khi đưa ra hành động. Có một lần, khi George hỏi bố rằng liệu bản thân ông có phải đang “có vấn đề” với quan điểm chính trị trong cuộc chiến tranh Iraq hay không, “Bố tôi hỏi lại: 'Con có một công việc không?'. Tôi nói có. Ông hỏi tiếp: 'Con có tiền tiết kiệm trong ngân hàng chứ?'. Tôi nói vâng. Và ông ấy nói tiếp: 'Vậy thì hãy im lặng đi. Trưởng thành đi. Con là một người đàn ông trưởng thành, con có biết không? Tự do ngôn luận có nghĩa là khi con nói điều gì đó, con đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần để nghe người khác nói những lời tệ hại với mình. Đó là một trong những kết quả của sự trưởng thành.' Tôi tiếp thu lời của ông. Nhưng bạn biết không, tôi thậm chí hiểu điều này từ trước đó, nhưng nó chỉ có tác dụng khi tôi ghi nhận từ người đàn ông là chỗ dựa của mình.”

George Clooney đã phải mất một thời gian dài để có thể trở thành một ngôi sao. Mà lý do, có lẽ là bởi ông từng nhận phải những vai diễn tệ, hoặc chỉ làm tốt vai diễn của mình trong những phim truyền hình không thành công. Bước đột phá trong sự nghiệp chỉ đến khi ông tham gia bộ phim “ER” vào năm 33 tuổi. Dù vậy, ông vốn được sinh ra để trở thành một ngôi sao và đã luôn sẵn sàng để làm một ngôi sao. Còn hiện tại, ông làm chủ ánh hào quang của mình tốt hơn ai hết. “Dì Rosie của tôi từng là một ngôi sao, và tôi đã học bài học về sự nổi tiếng từ rất sớm. Tôi hiểu nó chi phối mình như thế nào và nên làm chủ nó như thế nào.”

Ông là người hiểu rất cặn kẽ về bản thân và hiểu cả cái cách mà người khác nhìn vào mình. Nghĩa là, ông biết khán giả muốn gì từ ông trong các rạp chiếu phim; biết giới truyền thông muốn gì từ ông khi đứng trên thảm đỏ và biết cánh phóng viên muốn gì từ ông khi thực hiện những cuộc phỏng vấn. Và ông luôn cố gắng để làm thỏa mãn tất cả họ.

Trở nên nổi tiếng không chỉ là việc mà ông biết cách thực hiện hơn bất cứ ai khác, mà còn là việc ông làm tốt hơn bất cứ việc nào khác. Ông là chủ tịch một câu lạc bộ của những người nổi tiếng và ông tụ họp các thành viên lại mỗi khi có một bộ phim mới. Ông cũng từng tham gia đóng chung với Brad Pitt, Matt Damon, Bill Murray, John Goodman, Don Cheadle, Julia Roberts và Cate Blanchett (lưu ý nhỏ là ông chưa từng tham gia bộ phim nào với Leonardo DiCaprio và Russell Crowe).

Ông thường gửi đi rất nhiều email, nhưng trước những vấn đề nghiêm trọng hoặc cần giữ bí mật, ông sẽ viết thư tay. Ông cũng là một người quy tắc trong hầu hết mọi việc. Ví dụ như những người bạn khi đến dùng bữa tối tại biệt thự của ông ở Lake Como, sẽ thường tự biết nên đặt điện thoại ở xa chỗ ngồi. “Vì vậy không có nhiều bức ảnh chụp chúng tôi trong những khoảng thời gian đó”, ông chia sẻ.

Căn nhà ở Los Angeles là nơi ông đã từng giúp Tổng thống Obama tái tranh cử bằng việc gây được quỹ lớn nhất trong lịch sử của đảng Dân chủ. “Năm mươi lăm triệu USD,” ông nói, “ở ngay đây.” Tuy nhiên, mức độ tham gia chính trị của ông đã giảm bớt từ sau khi cuộc tái tranh cử của Tổng thống thành công.

Tại nhà của mình, George Clooney ít nói về các vấn đề chính trị, chỉ kể sơ qua về một vài trải nghiệm của mình trong lĩnh vực này, nhưng ông đặc biệt nhắc đến nhiều về một lá thư nhận được sau khi cố thượng nghị sỹ kì cựu Ted Kennedy qua đời. Kèm theo bức thư là một kỷ vật của John F. Kennedy – chiếc ví của cựu Tổng thống vào khoảng năm 1946, trong đó có lưu những kỷ vật chính trị rất giá trị khác. Đây cũng là món quà hoàn toàn thích hợp cho người đàn ông đã có tất cả và được ông nâng niu, cất giữ, tự hào./.

(Đẹp/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục