Theo một nghiên cứu mới nhất công bố ngày 27/6 trên tạp chí Geophysical Research Letters của Mỹ, nhiệt độ đo được tại các vùng trũng nhỏ gần đỉnh dải băng ở Nam Cực có thể ở mức dưới âm 100 độ C, phá vỡ những kỷ lục về nhiệt độ thấp nhất trước đó trên bề mặt Trái Đất.
Các nhà nghiên cứu Mỹ phát hiện nhiệt độ của những điểm trũng nhỏ hoặc những hốc nông trên Cao nguyên Đông Nam Cực có thể ở mức âm 98 độ C, lạnh hơn so với mức kỷ lục âm 93 độ C đo được cũng tại khu vực này vào năm 2013.
Nghiên cứu này chỉ ra rằng việc Cao nguyên Đông Nam Cực nằm ở vị trí cao so với mặt nước biển và gần với Nam Cực đã khiến khí hậu tại đây lạnh nhất trên Trái Đất, trong đó những hốc nhỏ tại dải băng ở Nam Cực trở thành nơi lạnh nhất tại nơi buốt giá nhất Trái Đất. Lý giải điều này, các nhà khoa học cho những luồng không khí lạnh, đặc quánh trên bề mặt ở Nam Cực tồn tại trong nhiều ngày khiến bề mặt và không khí trên bề mặt các hốc đã lạnh nay càng lạnh hơn.
[Băng Nam Cực đang tan nhanh báo động khiến nước biển dâng cao]
Ông Ted Scambos, nhà khoa học cao cấp tại Trung tâm dữ liệu băng và tuyết quốc gia của Đại học Colorado Bouder, đồng thời là trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết trong khu vực này, không khí cực kỳ khô, và điều này cho phép nhiệt từ bề mặt tuyết tỏa ra không gian dễ dàng hơn.
Các nhà khoa học không xác định một ngày cụ thể có nhiệt độ thấp kỷ lục, mà chỉ dựa vào vào phân tích dữ liệu được ghi lại từ các vệ tinh từ năm 2004 đến năm 2016, qua đó cho thấy nhiệt độ thấp xảy ra bất cứ khi nào trong điều kiện phù hợp. Theo các nhà nghiên cứu, nhiệt độ thấp kỷ lục âm 98 độ C lạnh đến mức có thể đạt được trên bề mặt Trái Đất. Để nhiệt độ giảm xuống mức thấp như vậy, các điều kiện thời tiết như bầu trời trong và không khí khô cần duy trì trong vài ngày. Bên cạnh đó, nhiệt độ có thể giảm xuống một chút nếu những điều kiện trên kéo dài trong vài tuần, song ông Scambos cho rằng điều đó rất khó xảy ra./.