“Hiện, mức giá xe năm 2018 của TMV là phù hợp và chúng tôi sẽ không có kế hoạch điều chỉnh thêm. Nếu không có gì đặc biệt, các lần điều chỉnh giá tiếp theo chỉ xảy ra khi thay đổi hoặc cải tiến sản phẩm.”
Tháng 10/2017 ghi nhận sự biến động khá mạnh của thị trường ôtô tại Việt Nam.
Theo số liệu của VAMA, tổng lượng xe bán ra trong tháng đạt 21.868 xe bao gồm 12.012 xe du lịch, 8.968 xe thương mại và 888 xe chuyên dùng (tính cả các thương hiệu xe nhập khẩu không thuộc VAMA).
Sản lượng xe lắp ráp trong nước đạt 15.498 xe và xe nhập khẩu là 6.370 xe. Như vậy, lượng xe du lịch bán ra đã tăng 3% so với tháng trước, lượng xe lắp ráp tăng 5% nhưng xe nhập khẩu giảm 2% so với tháng trước.
Tuy nhiên, khi so với cùng kỳ năm ngoái thì lượng xe bán ra của VAMA đã giảm 18%, trong đó xe du lịch giảm tới 23%.
Lý giải cho điều này có thể là do tâm lý của người tiêu dùng đang chờ đợi đến thời điểm đầu năm 2018 khi thuế nhập khẩu trong nội khối ASEAN giảm về 0% và nhiều mẫu xe mới lại được ra mắt vào tháng 11 từ đó kéo lượng bán hàng tháng 10/2017 giảm so với năm ngoái.
Điều này còn thể hiện ở tổng lượng bán hàng toàn thị trường trong cả 10 tháng đầu năm giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái, riêng mảng xe du lịch giảm 10% mặc dù các hãng đưa ra rất nhiều chiến dịch khuyến mãi giảm giá cả trăm triệu đồng cho mỗi xe.
Nhìn qua bảng sản lượng các hãng xe tại Việt Nam (Hyundai không công bố) thì Toyota vẫn là thương hiệu đứng đầu được nhiều người tiêu dùng lựa chọn, hai thương hiệu của Trường Hải là Mazda và Kia đều giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái.
Toyota Vios vẫn là cái tên chiếm vị trí số 1 trên bảng tổng hợp các xe bán chạy nhất trong tháng với 1.916 chiếc được bán ra (tháng 9/2017 là 1.669) nâng tổng số xe Vios cộng dồn suốt 10 tháng qua đạt 16.950 xe, xếp vị trí thứ 2 là Ford Ranger với 1.425 xe, thứ 3 là Mazda CX-5 với 1.158, thứ 4 thuộc về Fortuner với 994 xe bán ra.
Mặc dù các hãng xe đều giảm giá sâu cũng như tung ra nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn nhưng Toyota vẫn vươn lên đứng đầu, điều này có thể xuất phát từ tâm lý vẫn chuộng xe Toyota của nhiều người dân Việt (bền, bán lại được giá, ít hỏng vặt, dễ sửa chữa, phụ tùng thay thế không đắt…) và việc Toyota Việt Nam thực hiện giảm giá xe lắp ráp trong nước một cách khá sâu (mức giá bán dự tính cho năm 2018).
Lấy ví dụ như mẫu Vios TRD có giá bán niêm yết là 644 triệu đồng, đã giảm 58 triệu còn 586 triệu đồng, phiên bản số sàn MT chỉ còn 513 triệu, hay như mẫu Innova E cũng giảm giá tới 50 triệu chỉ còn 743 triệu đồng.
Thêm nữa, nhiều người tiêu dùng đã không chờ đợi tới tận năm 2018 mới mua xe bởi dù thuế nhập khẩu về 0% trong nội khối ASEAN nhưng các chính sách thuế phí khác chưa thực sự rõ ràng.
Ví như tin đồn lệ phí trước bạ có thể tăng lên tới 50% thay vì 10 hoặc 12% như hiện nay, hay như tâm lý “giảm thuế này thì nhà nước lại tăng thuế khác thôi” nên nhiều người đã không chờ đợi nữa mà cảm thấy giá xe giảm sâu, hợp túi tiền là mua.
Đó cũng có thể là một điều khôn ngoan bởi không ai có thể đoán trước được thị trường xe ôtô trong bối cảnh chính sách thay đổi liên tục như thế này.
Trả lời vì sao Toyota Việt Nam lại áp dụng sớm giá bán của năm 2018 cho các dòng xe của mình, ông Toru Kinoshita - Tổng giám đốc TMV đã chia sẻ: “TMV quyết định áp dụng sớm mức giá 2018 không phải vì mục tiêu ngắn hạn mà nghĩ tới dài hạn, để phát triển công ty cũng như góp phần vào sự phát triển của đất nước. Chúng tôi hiểu rằng, sự phát triển lâu dài của một quốc gia là điều quan trọng nhất và nhanh nhất cho sự phát triển của công ty chúng tôi. Mức giá cho năm 2018 của TMV được áp dụng sớm từ ngày 1/11/2017 cũng phần nào đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của Việt Nam. Hiện, mức giá xe năm 2018 của TMV là phù hợp và chúng tôi sẽ không có kế hoạch điều chỉnh thêm. Nếu không có gì đặc biệt, các lần điều chỉnh giá tiếp theo chỉ xảy ra khi thay đổi hoặc cải tiến sản phẩm”./.
Bài TRẦN GIÁP Ảnh TRẦN GIÁP