Giá xăng đã giảm liên tiếp kể từ thời điểm cuối tháng 7/2014 với tổng mức giảm lên đến 10.000 đồng/lít (khoảng 40%), nhưng thực tế cho thấy, giá cả hàng hóa vẫn không chịu tác động của đợt giảm giá mạnh này.
Nhiều ý kiến cho rằng, giá cước vận tải chưa giảm tương ứng với mức giảm giá xăng, hoặc chỉ giảm lấy lệ khiến cho giá hàng hóa, dịch vụ khó lòng hạ nhiệt.
Khảo sát tại các chợ Hôm, chợ Mơ... (Hà Nội) ngày 23/1, giá cả các loại thực phẩm không có nhiều thay đổi so với thời điểm đầu tháng 11 và tháng 12 năm 2014. Giá thịt bò vẫn ở mức 170.000-200.000 đồng/kg, giá gà ta từ 100.000-120.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000 đồng/kg. Giá trứng vịt vẫn giữ ở mức 35.000 đồng/chục, trứng gà ở mức 37.000-40.000 đồng/chục. Tôm sú dao động từ 400.000-460.000 đồng/kg...
Các loại rau, củ, quả có giảm nhẹ 1.000-2.000 đồng so với thời điểm đầu tháng 12. Rau muống có giá 16.000 đồng/mớ (giảm 2.000 đồng); rau cải xoong 4.000 đồng/mớ (giảm 1.000 đồng); rau cải thảo 10.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg...
Anh Nguyễn Văn Hưng, bán rau tại chợ Mơ, cho hay giá xăng giảm mạnh cũng không giúp nhiều cho việc giảm giá hàng tiêu dùng bởi giá nhập hàng đầu vào và chi phí vận chuyển cũng không giảm nhiều. Giá một số loại rau củ có giảm nhẹ là do yếu tố thời tiết những ngày qua trở nên ấm hơn.
Bước dần về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cùng với giá cước vận tải chưa hạ, khâu phân phối yếu kém, thì giá các mặt hàng tại chợ không giảm theo giá xăng là điều dễ hiểu.
Theo Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, Bộ đã có công văn khẩn gửi các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp phải lập tức kê khai lại giá cước vận tải, nhưng qua kiểm tra, nắm tình hình tại một số địa phương cho thấy vẫn còn đơn vị vận tải chưa thực hiện kê khai giảm giá.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng giá xăng dầu giảm tới gần 40% mà giá cước vận tải chỉ giảm 3-5%, thậm chí có những doanh nghiệp không giảm là rất vô lý. Điều này gây ảnh hưởng tới giá cả các mặt hàng khác. Cơ quan chức năng cần xử lý quyết liệt hơn các vi phạm về giá để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.
Cùng quan điểm trên, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, cũng cho rằng giá xăng giảm liên tục từ cuối tháng 7/2014 với mức giảm khoảng 40% rồi thì rõ ràng các đơn vị vận tải phải giảm giá cước tương ứng.
Vừa qua, các đơn vị vận tải chỉ giảm nhỏ giọt 5-7% là chưa ổn, phải giảm mạnh hơn để làm cơ sở giảm giá các mặt hàng khác. Mức giảm hợp lý phải ở vào khoảng trung bình 12-15%. Cơ quan quản lý giá, thanh tra tài chính cần vào cuộc, kiểm tra và phát hiện những chi phí bất hợp lý. Khi phát hiện sai phạm, cơ quan quản lý giá cần xử lý và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để ép các đơn vị này giảm giá cước.
Tuy nhiên, ông Phú cũng cho rằng, giảm giá cước vận tải là một chuyện, song song với đó vẫn là phải kiểm soát tốt khâu phân phối, trung gian; tổ chức tốt các chuỗi cung ứng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị đội giá. Giá tại nơi sản xuất đưa ra rất thấp nhưng đến tay người tiêu dùng thì phải qua 4-5 khâu phân phối, mỗi lần lại tăng giá lên 10-15%. Doanh nghiệp sản xuất và cung ứng phải cùng nhau liên kết để đưa hàng đến tay người tiêu dùng tốt nhất, rẻ nhất có thể. Hiện giá đường tại nhà máy 12.000 đồng/kg, nhưng khi ra đến chợ thì 24.000 đồng/kg...
Đại diện Hiệp hội vận tải Hà Nội, ông Bùi Danh Liên cũng cho rằng, trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn phải gánh nhiều chi phí như bảo hiểm, lương lái xe, phí cầu đường... ở mức cao. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vận tải cũng cần cân đối, điều tiết các chi phí đầu vào này để tiến hành tiếp tục giảm giá cước vận tải. Các đơn vị giảm nhỏ giọt, giảm đối phó hay chưa thực hiện giảm thì cần thực hiện ngay các thủ tục giảm giá cước cho phù hợp với mức giảm của giá xăng.
Ông Liên cũng đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông Vận tải, các đơn vị chức năng có những biện pháp kiểm tra sát và xử phạt quyết liệt các doanh nghiệp “cố thủ, chây ì” giảm cước; đồng thời, người dân trong quá trình tham gia sử dụng dịch vụ giao thông có thể giám sát cùng cơ quan quản lý và báo lại cho phía cơ quan quản lý để tiến hành kiểm tra, xử phạt.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã họp và yêu cầu giảm cước vận tải cho phù hợp. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ liên quan họp bàn và đưa ra giải pháp, chỉ đạo giảm giá cước vận tải. Thủ tướng yêu cầu phải giảm giá cước dịch vụ vận tải trước Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Với sự chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu Chính phủ tới các bộ ngành, mặt bằng giá cước và tiêu dùng sẽ được đưa về mức hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng./.