Giá dầu châu Á đi xuống do lo ngại kinh tế toàn cầu giảm tốc

Vào lúc 14 giờ 55 phút giờ Việt Nam, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 32 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống mức 62,69 USD/thùng, sau khi để mất 90 xu Mỹ trong phiên trước.
Toàn cảnh khu công nghiệp khai thác dầu và khí hóa lỏng Ras Laffan ở cách Doha (Qatar) khoảng 80km về phía Bắc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên 28/2 do số liệu công nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản yếu làm dấy lên các lo ngại về khả năng nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, có thể làm giảm nhu cầu về dầu.

Một báo cáo khác cho thấy dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ tăng giữa bối cảnh sản lượng khai thác của nước này đi lên là yếu tố tiếp theo đẩy lùi giá dầu.

Vào lúc 14 giờ 55 phút giờ Việt Nam, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 32 xu Mỹ, tương đương 0,5%, xuống mức 62,69 USD/thùng, sau khi để mất 90 xu Mỹ trong phiên trước.

Giá dầu Brent Biển Bắc lùi 0,25 xu Mỹ, tương đương 0,4%, xuống mức 66,38 USD/thùng, sau đà giảm 87 xu Mỹ xuống mức 66,63 USD/thùng trong phiên trước.

[Tổ chức OPEC có khả năng thắt chặt "quá tay" thị trường dầu] 

Trung Quốc hiện là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sau khi tước ngôi vị này của Mỹ trong năm ngoái. Nhu cầu về dầu thô có một mối tương quan khá mạnh với tăng trưởng kinh tế. Sản lượng công nghiệp trong tháng 1/2018 của Nhật Bản chứng kiến mức sụt giảm mạnh nhất kể từ thảm họa động đất hồi tháng 3/2011, càng cho thấy nhu cầu đối với dầu yếu đi và dự trữ dầu tăng.

Tại Mỹ, nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) ngày 27/2 công bố số liệu cho thấy dự trữ “vàng đen” của nước này đã tăng 933.000 thùng dầu trong tuần kết thúc vào ngày 23/2 lên mức 421,2 triệu thùng. Đây chính là yếu tố tạo sức ép đi xuống với giá dầu trong phiên này. Mỹ đã soán ngôi Saudi Arabia để trở thành nước xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới trong năm ngoái.

Hiện thị trường đang dõi theo số liệu chính thức từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự kiến được công bố trong ngày hôm nay (28/2)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục