Giá dầu châu Á giảm phiên thứ ba liên tiếp trong chiều 16/3, giữa bối cảnh dự trữ dầu thô của Mỹ tăng cao làm tăng thêm rủi ro cho đà phục hồi nhu cầu nhiên liệu sau khi nhiều quốc gia, trong đó có Đức và Pháp, tạm ngừng việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng Năm giảm 69 xu Mỹ, hay 1%, xuống 68,19 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 69 xu Mỹ, hay 1,1%, xuống 64,70 USD/thùng sau khi giảm 0,3% trong phiên trước đó.
Đức, Pháp và Italy có kế hoạch đình chỉ việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, sau khi có những báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine này bất chấp Tổ chức Y tế Thế giới cho rằng không có mối liên hệ nào với vaccine này.
Những động thái trên làm gia tăng lo ngại về tốc độ tiêm chủng chậm chạp trong khu vực, điều này sẽ làm trì hoãn bất kỳ sự phục hồi kinh tế nào từ đại dịch ở những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.
Đại dịch làm giảm nhu cầu đối với dầu mỏ nhưng giá nhiên liệu đã phục hồi về mức trước cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Tuy nhiên, đà tăng của giá dầu bị hạn chế bởi việc triển khai tiêm chủng chậm ở hầu hết các quốc gia.
[Giá dầu Brent tiến sát mức 70 USD/thùng trong phiên chiều 15/3]
Tại Mỹ, dự trữ dầu mỏ cũng tăng cao bởi đợt thời tiết băng giá trong tháng trước, khiến các hoạt động lọc dầu phải tạm ngừng và sẽ mất nhiều thời gian để hoạt động trở lại bình thường.
Trưởng bộ phận quản lý hàng hóa thuộc Phillip Futures ở Singapore, ông Avtar Sandu, cho hay giá nhiên liệu chịu ảnh hưởng bởi kỳ vọng rằng cơn bão mùa Đông trong tháng trước ở Texas (Mỹ) có thể tiếp tục làmdự trữ dầu thô gia tăng.
Viện Dầu mỏ Mỹ (API) sẽ báo cáo về lượng dầu thô dự trữ vào cuối ngày 16/3. Sau đó là số liệu chính thức của Bộ Năng lượng vào ngày 17/3, trong bối cảnh giới phân tích kỳ vọng dự trữ nhiên liệu tiếp tục tăng.
Trong tuần tính đến ngày 5/3, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 12,8 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo tăng chưa tới triệu thùng của các chuyên gia./.