Giá dầu giảm sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật Keystone XL

Trên thị trường châu Á, giá dầu đã giảm sau khi Thượng viện Mỹ ngày 29/1 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép triển khai dự án đường ống dẫn dầu gây tranh cãi Keystone XL.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, DC sau khi Thượng viện thông qua dự luật gây tranh cãi Keystone XL. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong phiên giao dịch 30/1, trên thị trường châu Á, giá dầu đã giảm sau khi Thượng viện Mỹ ngày 29/1 đã bỏ phiếu thông qua dự luật cho phép triển khai dự án đường ống dẫn dầu gây tranh cãi Keystone XL, chạy từ Canada đến các nhà máy lọc dầu ở các bang miền Nam nước Mỹ, làm tăng thêm nỗi lo về dư thừa nguồn cung.

Chiều cùng ngày trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 3/2015 giảm 3 xu Mỹ xuống 44,50 USD/thùng, còn giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng giảm 35 xu xuống 48,78 USD/thùng. Trong phiên giao dịch trước, ngày 29/1, trên sàn giao dịch New York, giá dầu WTI đã có lúc rớt xuống dưới mức 44 USD/thùng – mức thấp kỷ lục từ tháng 3/2009.

Theo giới phân tích, nguyên nhân khiến giá dầu giảm là việc Thượng viện Mỹ ngày 29/1 đã thông qua dự luật cho phép triển khai dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL. Sau một thời gian dài tranh cãi và bị trì hoãn, dự luật trên đã được thông qua với tỷ lệ 62 phiếu thuận và 36 phiếu chống.

Dự án Keystone XL do tập đoàn TransCanada Corp của Canada và tập đoàn ConocoPhillips của Mỹ đề xuất năm 2008 với tổng vốn đầu tư 7 tỷ USD. Với tổng chiều dài 3.462 km chạy qua sáu bang của nước Mỹ, tuyến đường ống này dự kiến được xây dựng theo hai giai đoạn, khi hoàn tất có thể vận chuyển hơn 800.000 thùng dầu/ngày từ các mỏ dầu của Canada cung cấp cho các nhà máy lọc dầu ở các bang bờ biển phía Nam nước Mỹ.

Kể từ tháng 6/2014, “vàng đen” đã để mất gần 60% giá trị do nguồn cung dư thừa và sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã đạt mức “đỉnh” kể từ năm 1982, trong khi đó sản lượng dầu của nước này đã tăng lên mức cao nhất, ít nhất là từ năm 1983.

Bên cạnh đó, quyết định giữ nguyên trần sản lượng khai thác dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hồi tháng 11/2014, bất chấp nguồn cung dôi dư, cũng gây thêm sức ép lên giá dầu trong bối cảnh nhu cầu yếu và kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm.

Ông Shailaja Nair từ Trung tâm cung cấp thông tin năng lượng Platts nhận định: "Đường ống dẫn dầu Keystone trong dài hạn sẽ khiến việc sản xuất dầu của Mỹ hiệu quả hơn. Trên bình diện rộng hơn, điều này sẽ lại gây thêm sức ép lên giá dầu.”

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục