Giá dầu tại Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong 5 tháng

Các thị trường đang tập trung vào các dấu hiệu của xu hướng nhu cầu suy yếu, trong bối cảnh có những hoài nghi liệu các nỗ lực của OPEC+ có gây hạn chế nguồn cung.

Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Carson, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bể chứa dầu tại kho dự trữ ở Carson, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 6/12, giá dầu tại Mỹ đã lần đầu giảm xuống dưới 70 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7, trong bối cảnh các nhà đầu tư đang hy vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất.

Cụ thể, giá dầu WTI giao tháng 1 giảm 4,1% xuống còn 69,38 USD/thùng.

Các thị trường đang tập trung vào các dấu hiệu của xu hướng nhu cầu suy yếu, trong bối cảnh có những hoài nghi liệu các nỗ lực của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) có gây hạn chế nguồn cung.

Các nhà phân tích đã bắt đầu xem xét khả năng Saudi Arabia có thể bất ngờ quyết định tăng nguồn cung sau thời gian giảm sản lượng.

Cùng ngày, chỉ số đồng USD (đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với 6 loại tiền tệ lớn khác) đã tăng 0,19% lên mức cao nhất trong 2 tuần là 104,16.

Trong khi đó, niềm tin về việc ECB hạ lãi suất khiến giá trị đồng euro giảm mạnh.

Cụ thể, tỷ giá đồng euro so với đồng USD đã giảm 0,29% xuống còn 1 euro đổi được 1,0764 USD. Tỷ giá đồng euro so với đồng bảng Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 tháng, trong khi tỷ giá euro/yen hạ xuống mức thấp nhất trong 5 tuần.

Ngày 5/12 vừa qua, bà Isabel Schnabel, thành viên ban điều hành ECB, nhận định vấn đề tăng lãi suất sẽ không được đưa ra thảo luận do lạm phát đã giảm đáng kể.

Thông tin này đã khiến lợi suất trái phiếu chính phủ tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm xuống mức thấp nhất trong vài tháng.

Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Đức (thước đo tiêu chuẩn của trái phiếu khu vực Eurozone) đã giảm 3 điểm cơ bản xuống còn 2,208%, mức thấp nhất trong 7 tháng.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, chỉ số DAX tại Frankfurt (Đức) đã tăng 0,8% lên mức cao kỷ lục, lần đầu vượt qua mốc 16.600 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) tăng 0,7% lên 7.435,99 điểm.

Người đứng đầu mảng đầu tư của công ty Interactive Investor, Victoria Scholar nhận định tâm lý lạc quan về khả năng ECB hạ lãi suất vào quý I/2024 đã góp phần giúp các chỉ số tăng điểm.

Những tín hiệu tích cực trên thị trường lao động Mỹ cũng làm tăng hy vọng về việc Fed hạ lãi suất.

Cùng chung xu hướng, thị trường châu Á tràn ngập sắc xanh khi các chỉ số chứng khoán tại Hong Kong (Trung Quốc), Sydney (Australia), Singapore, Seoul (Hàn Quốc), Bangkok (Thái Lan), Mumbai (Ấn Độ), Wellington (New Zealand) và Jakarta (Indonesia) đều đồng loạt đi lên. Đặc biệt, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo (Nhật Bản) tăng 2% lên 33.445,90 điểm.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ lại trải qua phiên giao dịch ảm đạm khi cả 3 chỉ số chính đều giảm điểm, trong đó chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất ở mức 0,6% xuống còn 14.146,71 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.