Giá dầu thế giới đảo chiều đi lên trong phiên giao dịch 25/3, qua đó khép lại tuần vừa qua với mức tăng gần 12%, sau khi các thông tin về hành động quân sự nhắm vào một cơ sở dầu ở Saudi Arabia một lần nữa làm dấy lên những lo ngại về nguồn cung dầu thô toàn cầu.
Khép lại phiên này, giá dầu thô nhọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Năm tăng 1,56 USD, hay 1,4%, lên 113,90 USD/thùng và kết thúc tuần giao dịch vừa qua với mức tăng 10,5%, theo dữ liệu của Dow Jones Market Data.
Trong khi đó, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ tăng 1,62 USD, hay 1,4%, lên 120,65 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng gần 12%.
Lực lượng Houthi của Yemen cho biết đã tiến hành một số hành động quân sự nhằm vào các cơ sở năng lượng của Saudi Arabia trong ngày 25/3.
[Giá dầu và giá vàng trên thị trường thế giới diễn biến ngược chiều]
Trong khi đó, liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu thông báo trạm phân phối sản phẩm xăng dầu tại Jeddah của Tập đoàn dầu mỏ Aramco đã bị thiệt hại do các hành động quân sự, gây ra hỏa hoạn tại hai bể chứa, song không gây thương vong.
Ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao của công ty dịch vụ môi giới, tư vấn tài chính và quản lý tài sản The Price Futures Group (Mỹ), cho biết các hành động quân sự nói trên xảy ra vào thời điểm rủi ro nguồn cung trên thị trường dầu đang ở mức cao nhất nhiều năm qua.
Ông cho rằng diễn biến mới này sẽ khiến cho tình hình thâm hụt cung cầu trên thị trường “vàng đen” trở nên nghiêm trọng hơn.
Trước đó, giá dầu đã có một tuần biến động lên xuống liên tục. Trong phiên đầu tuần 21/3, giá dầu thế giới tăng hơn 7% khi các quốc gia châu Âu vẫn bất đồng về việc có nên tham gia lệnh cấm vận dầu mỏ nhập khẩu từ Nga của Mỹ hay không.
Bước sang phiên 22/3, giá dầu thế giới giảm sau khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) dường như có thể không đồng ý tham gia trừng phạt đối với ngành dầu mỏ Nga cùng với Mỹ.
Các ngoại trưởng EU có quan điểm khác nhau về lệnh cấm này trong bối cảnh một số quốc gia, trong đó có Đức, cho hay EU phụ thuộc quá nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, do đó rất khó để khối này có thể tham gia cùng với Mỹ.
Sau đó, giá dầu thế giới lại tăng hơn 5% trong phiên 23/3 sau khi số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 23/3 công bố báo cáo cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm 2,5 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 18/3.
Tiếp đó, giá dầu quay đầu giảm 2% trong phiên 24/3 sau khi EU không thể đồng ý về kế hoạch tẩy chay dầu của Nga và thông tin cho thấy xuất khẩu dầu từ đường ống dẫn dầu Caspian Pipeline Consortium (CPC) của Kazakhstan có thể tiếp tục hoạt động một phần sau khi bị gián đoạn trong tuần này do thời tiết xấu.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh đang thảo luận về việc có thể phối hợp hơn nữa để giải phóng dầu từ kho dự trữ, giúp xoa dịu thị trường dầu mỏ.
Canada cũng cho biết nước này có khả năng tăng xuất khẩu dầu và khí đốt tự nhiên lên tới 300.000 thùng/ngày trong năm 2022 để giúp cải thiện an ninh năng lượng toàn cầu.
Ông Stephen Innes, chuyên gia cấp cao của công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sĩ), nhận định giá dầu có thể duy trì ở các mức hiện tại và sau đó tăng lên khi Trung Quốc nới lỏng tất cả các quy định hạn chế liên quan đến dịch COVID-19.
Trong tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo khả năng gián đoạn hoạt động khai thác dầu tại Nga trên quy mô lớn đang đe dọa gây ra cú sốc nguồn cung trên toàn cầu.
IEA ước tính nguồn cung dầu từ Nga có thể sẽ mất 3 triệu thùng/ngày từ tháng Tư khi các lệnh trừng phạt mạnh hơn./.