Giá dầu thế giới giảm khoảng 1% trong phiên ngày 21/6 do thị trường lo ngại nhu cầu dầu toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi đồng USD mạnh và những tin tức kinh tế tiêu cực từ một số khu vực trên thế giới.
Mặc dù có dấu hiệu nhu cầu dầu tại Mỹ cải thiện và các kho dự trữ nhiên liệu giảm, song giá dầu vẫn đi xuống. Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 47 xu (0,6%) xuống 85,24 USD/thùng, còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 56 xu (0,7%) xuống 80,73 USD/thùng.
Tuy nhiên, khi tính theo tuần, cả hai loại dầu chủ chốt này đều tăng khoảng 3%, sau khi tăng khoảng 4% vào tuần trước.
Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong 7 tuần so với rổ các đồng tiền khác do cách tiếp cận kiên nhẫn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc cắt giảm lãi suất.
Fed đã tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023 để kiềm chế lạm phát tăng vọt. Lãi suất cao hơn làm tăng chi phí vay mượn đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp, có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu.
Đồng USD mạnh hơn cũng có thể làm giảm nhu cầu dầu bởi nó khiến các hàng hóa được giao dịch bằng đồng USD như dầu mỏ trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Tại Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới, hoạt động kinh doanh đã tăng lên mức cao nhất của 26 tháng trong tháng 6/2024 trong bối cảnh việc làm phục hồi, nhưng áp lực giá đã giảm đáng kể, mang lại hy vọng rằng tình trạng lạm phát hạ nhiệt có thể sẽ được duy trì.
Trong khi đó, doanh số bán nhà hiện có của Mỹ đã giảm tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 5/2024 do do giá nhà cao kỷ lục và lãi suất thế chấp tăng, khiến nhiều người mua tiềm năng lựa chọn chưa tham gia thị trường.
Giá dầu thế giới đã tăng gần 2 USD lên mức cao nhất trong hơn một tháng trong phiên giao dịch đầu tuần 17/6, khi các nhà đầu tư ngày càng lạc quan hơn về triển vọng nhu cầu.
Đà tăng của giá dầu thế giới tiếp tục được nối dài trong phiên ngày 18/6 do rủi ro địa chính trị leo thang ở châu Âu và Trung Đông, đe dọa nguồn cung toàn cầu.
Tuy nhiên, giá dầu thế giới giảm trong phiên giao dịch 19/6, rời khỏi mức cao nhất trong 7 tuần đạt được trước đó, khi thị trường nhận được báo cáo cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ bất ngờ tăng.
Các nguồn tin thị trường trích dẫn số liệu của Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 2,264 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 14/6, trái ngược với dự đoán của các nhà phân tích được Reuters khảo sát là giảm 2,2 triệu thùng.
Còn các nhà phân tích của JPMorgan cảnh báo rằng nhu cầu dầu mỏ gia tăng vào mùa Hè, trong khi rủi ro thời tiết có thể ảnh hưởng tới các hoạt động lọc dầu, cùng với việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) cắt giảm sản lượng có nghĩa là nguồn cung dầu sẽ thắt chặt và lượng dự trữ sẽ bắt đầu cạn dần trong những tháng mùa Hè./.
Căng thẳng địa chính trị leo thang đẩy giá dầu thế giới tăng
Giá dầu tăng sau khi có tin một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đã gây ra một đám cháy lớn tại bể chứa nhiên liệu ở một nhà ga dầu mỏ ở cảng Azov thuộc miền Nam nước Nga.