Giá dầu trên thị trường thế giới đi ngang trong tuần qua

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent gần như đi ngang khi giảm chưa tới 1%, so với mức giảm 6% tuần trước - tuần giảm mạnh nhất của dầu Brent trong bốn tháng.
Một cơ sở khai thác dầu tại thị trấn al-Buraqah, Libya. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu thế giới biến động thất thường trong tuần qua, khi các nhà giao dịch lo ngại về triển vọng nhu cầu dầu mỏ trước sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu.

Trong khi đó, việc Chính phủ Mỹ khẳng định rằng kế hoạch tăng sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh, còn gọi là OPEC+, không phải là một phản ứng ngay tức thì lại giúp nâng đỡ thị trường.

Đồng USD mạnh, vốn gây bất lợi cho những mặt hàng được định giá bằng đồng tiền này như dầu, cùng với lo ngại về triển vọng tiêu thụ do sự gia tăng số ca mắc COVID-19 đã khiến giá dầu đi xuống ngay trong phiên giao dịch đầu tuần (9/8).

[Goldman Sachs nhận định việc Mỹ kêu gọi OPEC+ tăng sản lượng dầu]

Tuy nhiên, giá “vàng đen” đã xoay chiều đi lên trong hai phiên giao dịch liền sau đó, khi Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho rằng tăng trưởng việc làm và hoạt động đi lại gia tăng đã thúc đẩy lượng xăng tiêu thụ kể từ đầu năm 2021 tính đến nay.

Lượng xăng tiêu thụ ở Mỹ được dự đoán trung bình ở mức 8,8 triệu thùng/ngày trong năm 2021, cao hơn mức 8 triệu thùng/ngày trong năm 2020.

Dù vậy, EIA dự đoán con số này sẽ vẫn thấp hơn mức tiêu thụ của năm 2019 đến hết năm 2022 do số người làm việc từ xa gia tăng.

Bên cạnh đó, giá mặt hàng này còn được hỗ trợ khi Nhà Trắng nói rằng, việc tăng sản lượng của OPEC và các đối tác sản xuất dầu sẽ là một kế hoạch dài hơi, không nhất thiết phải là một phản ứng ngay tức thì.

Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty tư vấn và môi giới đầu tư Price Futures Group tại Chicago (Mỹ) cho hay Chính phủ Mỹ đã kêu gọi các nhà sản xuất nước này không tăng cường sản xuất, dẫn đến giá dầu trên thị trường tăng cao.

Tuy nhiên, thị trường năng lượng đã để tuột mất đà tăng trong hai phiên giao dịch cuối tuần này, sau khi báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết đà tăng của nhu cầu dầu đã đảo chiều và giảm 120.000 thùng/ngày trong tháng Bảy, do sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đã làm ảnh hưởng hoạt động giao hàng ở Trung Quốc, Indonesia và nhiều nước khác ở châu Á.

Ngoài ra, IEA dự đoán nhu cầu dầu sẽ tăng chậm hơn nhiều trong nửa cuối năm nay, khi các biện pháp hạn chế được tái áp đặt ở nhiều nước tiêu thụ dầu lớn, đặc biệt ở châu Á, được dự đoán sẽ làm giảm hoạt động đi lại và tiêu thụ dầu.

Giá dầu tiếp tục giảm sâu hơn trong phiên giao dịch cuối tuần 13/8, khi nhiều ngân hàng lớn và IEA đều cảnh báo rằng tăng trưởng nhu cầu dầu thô và các sản phẩm năng lượng sẽ giảm mạnh khi sự gia tăng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới buộc chính phủ các nước khôi phục các lệnh hạn chế đi lại.

Kết thúc phiên này, tại trường New York, giá dầu ngọt nhẹ WTI giao kỳ hạn giảm 65 xu Mỹ, xuống 68,44 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng mất 72 xu Mỹ (1%), xuống 70,59 USD/thùng.

Tính chung cả tuần qua, giá dầu Brent gần như đi ngang khi giảm chưa tới 1%, so với mức giảm 6% tuần trước - tuần giảm mạnh nhất của dầu Brent trong bốn tháng.

Tuần trước, giá dầu WTI cũng lùi 7%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong chín tháng.

Các bộ phận nghiên cứu của các ngân hàng lớn như Goldman Sachs và JPM Commodities Research đều không mấy lạc quan về triển vọng giá dầu do tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đang gia tăng.

Goldman Sachs cắt giảm ước tính thâm hụt dầu toàn cầu xuống 1 triệu thùng/ngày, từ 2,3 triệu thùng/ngày trong ngắn hạn, với lý do nhu cầu dự kiến sẽ giảm trong tháng Tám và tháng Chín. Tuy nhiên, Goldman Sachs hy vọng nhu cầu dầu mỏ sẽ tiếp tục phục hồi khi tỷ lệ người được tiêm chủng tăng.

Trong khi đó, JPM cho biết họ nhận thấy "sự phục hồi nhu cầu dầu toàn cầu bị đình trệ trong tháng này," gần như tương đương mức trung bình 98 triệu thùng/ngày trong tháng Bảy.

Ngược lại, OPEC vào ngày 12/8 vẫn giữ nguyên dự đoán nhu cầu dầu của thế giới sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 và 2022, bất chấp những lo ngại về sự lây lan của biến thể Delta.

Trong báo cáo định kỳ hàng tháng, OPEC cũng nâng dự báo nguồn cung trong năm tới từ các nhà sản xuất khác, bao gồm các nhà sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, điều này có thể gây khó khăn cho những nỗ lực của OPEC+ nhằm đạt được sự cân bằng trên thị trường "vàng đen."

Một yếu tố khác tạo thêm sức ép giảm cho giá dầu phiên cuối tuần là công ty dịch vụ dầu khí Baker Hughes cùng ngày cho biết, số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ đã tăng 10 giàn, lên 397 giàn.

Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 4/2020, đưa tổng số giàn khoan dầu đang hoạt động tại nước này lên cao gấp đôi so với mức thấp kỷ lục khi nhận vào cùng kỳ năm 2020./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục