Giá dầu trên thị trường thế giới tăng tuần thứ tư liên tiếp

Giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng lên gần 50 USD/thùng sau khi ba công ty dược phẩm lớn công bố về việc vắcxin ngừa COVID-19 có thể bắt đầu được tung ra thị trường trước cuối năm nay.
Một cơ sở khai thác dầu tại Fort McMurray, Canada. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tuần qua, giá dầu thế giới tăng tuần thứ tư liên tiếp, với giá dầu Brent kỳ hạn đã tăng lên gần 50 USD/thùng sau khi ba công ty dược phẩm lớn công bố về việc vắcxin ngừa COVID-19 có thể bắt đầu được tung ra thị trường trước cuối năm nay.

Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 7,2%, còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) tăng 8%.

Trong phiên đầu tuần (23/11), giá dầu thế giới tăng hơn 2%, sau khi các thông tin lạc quan mới về vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 khiến giới đầu tư kỳ vọng rằng nhu cầu năng lượng toàn cầu sẽ sớm phục hồi.

Nhà sản xuất dược phẩm AstraZeneca của nước Anh cùng ngày thông báo loại vắcxin ngừa COVID-19 của họ có thể đạt hiệu quả khoảng 90%.

Ngoài ra, một quan chức Mỹ mới đây cho biết, đợt tiêm chủng vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên của nước này có thể bắt đầu một hoặc hai ngày sau khi có sự chấp thuận theo quy định.

[Giá dầu thế giới ở mức cao nhất trong vòng 8 tháng qua]

Ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch của công ty tư vấn Ritterbusch & Associates cho hay tin tức lạc quan trong việc phát triển vắcxin ngừa COVID-19 đã thúc đẩy đà tăng mới trên thị trường chứng khoán và cả thị trường dầu mỏ.

Sang phiên giao dịch 24/11, giá dầu tăng khoảng 4% và lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020 khi niềm tin vào triển vọng phục hồi nhu cầu nhiên liệu tiếp tục được củng cố.

Một nhân tố khác hỗ trợ giá dầu là quyết định chấp thuận việc phân bổ tiền viện trợ của chính phủ cho quá trình chuyển giao quyền lực của Chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Bước đi này được ông Joe Biden nhận định là rất quan trọng để tiến trình chuyển giao quyền lực diễn ra "suôn sẻ."

Dự kiến, vắcxin ngừa COVID-19 do AstraZenec bào chế sẽ trở thành loại vắcxin thứ ba trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của toàn cầu, sau vắcxin của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Giá dầu tiếp tục tăng gần 2% trong phiên giao dịch 25/11 do dự trữ dầu thô của Mỹ hàng tuần sụt giảm bất ngờ và hy vọng nhu cầu nhiên liệu phục hồi.

Số liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này giảm 754.000 thùng trong tuần trước, gây ngạc nhiên cho các nhà phân tích của hãng tin Reuters.

Nhà phân tích dầu mỏ Giovanni Staunovo của trung tâm UBS nhận định giá dầu thô đang giao dịch ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2020, được hỗ trợ bởi tâm lý thị trường tích cực do tiến triển trong sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 và nhu cầu dầu tăng mạnh ở châu Á.

Ông cho rằng giá dầu vẫn có triển vọng tăng trong năm 2021 và giá dầu Brent có thể chạm ngưỡng 60 USD/thùng vào cuối năm 2021.

Sau khi đảo chiều đi xuống trong phiên giao dịch ngày 26/11, giá dầu biến động trái chiều trong phiên cuối tuần (27/11).

Cụ thể, giá dầu Brent giao tháng Một tăng 38 xu lên 48,18 USD/thùng, trong khi hợp đồng giao tháng Hai tăng 46 xu lên 48,25 USD/thùng, còn giá dầu WTI giảm 18 xu xuống 45,53 USD/thùng.

Mặc dù những thông tin khả quan về quá trình sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca đã giúp nâng đỡ thị trường dầu mỏ trong tuần qua. Tuy nhiên, nhiều người đang đặt ra nghi ngờ về tính hiệu quả loại vắc-xin này.

Anh đã yêu cầu Cơ quan quản lý dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe (MHRA) thẩm định về vắcxin ngừa COVID-19 của công ty AstraZeneca trước khi đưa ra quyết định về cấp phép lưu hành sản phẩm này.

Một số nhà khoa học nghi ngờ về sự ổn định của tỷ lệ hiệu quả 90%, do trong quá trình thử nghiệm đã xảy ra một số nhầm lẫn.

Cụ thể là những người tham gia thử nghiệm vắcxin của AstraZeneca ban đầu chỉ được tiêm nửa liều, sau đó mới được tiêm liều đầy đủ.

Ông Avtar Sandu, quản lý cấp cao về thị trường hàng hóa của công ty môi giới đầu tư Phillip Futures, cho rằng mặc dù một số yếu tố cơ bản lớn tác động đến thị trường, đặc biệt là việc phát triển vắcxin ngừa COVID-19, song những lo ngại về xu hướng giá năng lượng giảm vẫn còn duy trì.

Theo ông, lệnh phong tỏa được áp dụng khi diễn biến của đại dịch COVID-19 ngày càng xấu đi, số lượng giàn khoan dầu hoạt động ở Mỹ tăng và Libya gia tăng việc khai thác dầu mỏ, là những yếu tố rủi ro đối với đà tăng trưởng của giá dầu mỏ.

Các nhà đầu tư đang ngóng chờ cuộc họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong tuần tới.

OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, bao gồm cả Nga (còn gọi là OPEC+) đang có xu hướng trì hoãn việc tăng sản lượng khai thác theo kế hoạch trong năm tới, nhằm giúp thị trường vượt qua tác động từ làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần thứ hai cũng như việc Libya tăng cường khai thác dầu.

Theo dự kiến, OPEC+ sẽ nhóm họp trong hai ngày 30/11-1/12 để xem xét các lựa chọn và gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thêm ít nhất ba tháng tính từ tháng 1/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục