Giá dầu xuống mức thấp nhất 7 tuần do lo ngại nhu cầu ở Trung Quốc giảm

Giá dầu Brent giao kỳ hạn đã giảm 1,15 USD (tương đương 1,4%) và đóng cửa ở mức 78,63 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,08 USD (1,4%) xuống còn 74,73 USD/thùng.

Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bơm xăng cho phương tiện tại trạm xăng ở Cairo, Ai Cập. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu giảm khoảng 1% và đóng cửa ở mức thấp nhất trong bảy tuần vào phiên 30/7, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng nhu cầu từ Trung Quốc có thể suy giảm, trong khi các nhà sản xuất chủ chốt được cho là sẽ tuân thủ kế hoạch tăng nguồn cung.

Cụ thể, giá dầu Brent giao kỳ hạn đã giảm 1,15 USD (tương đương 1,4%) và đóng cửa ở mức 78,63 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) cũng giảm 1,08 USD (1,4%) xuống còn 74,73 USD/thùng.

Đây là mức đóng cửa thấp nhất đối với cả hai loại dầu chuẩn kể từ ngày 5/6.Theo một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới - có khả năng đã giảm trong tháng thứ ba liên tiếp vào tháng 7/2024.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã cam kết tăng cường hỗ trợ cho nền kinh tế, nhưng giới đầu tư không đặt nhiều kỳ vọng vào những biện pháp như vậy.

Bên cạnh đó, những người tham gia thị trường đã bàn tán về một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng cho Gaza trong những ngày qua. Điều này có thể làm giảm phí bảo hiểm rủi ro địa chính trị đối với giá dầu thô.

Ông Bob Yawger, người phụ trách mảng năng lượng tại ngân hàng Mizuho, ước tính rằng một thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel với lực lượng Hamas có khả năng giảm phí bảo hiểm rủi ro từ 4-7 USD cho mỗi thùng dầu.

Một diễn biến khác cũng được thị trường chú ý là các Bộ trưởng hàng đầu của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) sẽ họp vào ngày 1/8 để xem xét thị trường, bao gồm cả kế hoạch bắt đầu dừng một số đợt cắt giảm sản lượng từ tháng 10.

Hiện tại, thị trường không mong đợi OPEC+ có bất cứ sự thay đổi chính sách nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.