Giá gạo xuất khẩu tại các “vựa lúa” lớn của châu Á vẫn ổn định

Giá gạo xuất khẩu từ các “vựa lúa” lớn ở châu Á ổn định trong tuần này, do nhu cầu lương thực ở mức vừa phải đã được bù đắp bởi nguồn cung giảm; giá gạo 5% tấm của Việt Nam chào bán mức 653 USD/tấn
Vận chuyển gạo xuất khẩu xuống container. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Thị trường gạo châu Á

Giá gạo xuất khẩu từ các “vựa lúa” lớn của châu Á vẫn ổn định trong tuần này, do nhu cầu lương thực thiết yếu này ở mức vừa phải đã được bù đắp bởi nguồn cung giảm.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được chào bán ở mức 510-517 USD/tấn, không đổi so với tuần trước khi giá tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái.

Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, Andhra Pradesh cho biết nhu cầu hơi thấp, nhưng các nhà xuất khẩu không thể hạ giá vì đồng rupee mạnh lên. Nguồn cung cũng đang giảm ở các bang phía bắc.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 653 USD/tấn, cũng không thay đổi so với tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh dự đoán nhu cầu của thế giới đối với gạo Việt Nam vẫn cao trong năm nay. Mức giá này vẫn có thể khuyến khích nông dân mở rộng sản xuất trong vụ tiếp theo.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 648-650 USD/tấn, ít thay đổi so với mức 650 USD/tấn trong tuần trước, do các thương nhân cho rằng mức giá này là do nhu cầu không thay đổi từ các thị trường Đông Nam Á.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết nhu cầu từ Indonesia và Philippines vẫn được duy trì. Bên cạnh đó, sự biến động của tỷ giá hối đoái trong tuần này cũng giúp giữ giá gạo ổn định.

Gạo được bày bán tại siêu thị ở Bangkok, Thái Lan.(Ảnh: AFP/TTXVN)

Một thương nhân khác cho biết nguồn cung ứng cũng giảm do thị trường chờ vụ mùa mới vào khoảng tháng Hai và Ba tới.

Thị trường nông sản Mỹ

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 12/1, giá các mặt hàng nông sản tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) đều giảm, dẫn đầu là ngô.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng Ba tới giảm 10,75 xu, tương đương 2,35% xuống 4,47 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn cũng giảm 12,25 xu, tương đương 0,99% xuống 12,2425 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 3/2023 giảm 7,75 xu (1,28%) xuống 5,96 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2kg; 1 bushel ngô = 25,4kg).

Giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn CBOT giảm mạnh sau Báo cáo vụ mùa tháng Một của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và báo cáo Ước tính Cung và Cầu Nông nghiệp Thế giới.

Báo cáo cho thấy dự trữ ngô, đậu tương và lúa mỳ trong giai đoạn 2023-2024 của Mỹ đã tăng 55 triệu bushel; trong đó, ngô tăng 31 triệu bushel, đậu nành tăng 35 triệu bushel và lúa mỳ giảm 11 triệu bushel. Việc kho dự trữ ngũ cốc thế giới bổ sung thêm 12 triệu tấn cũng khiến giá nông sản giảm.

Báo cáo này cũng cho thấy sản lượng ngô năm 2023 của Mỹ đạt mức kỷ lục mới là 177,3 bushel trên mỗi mẫu Anh (1 mẫu Anh = 4.046,8m2). Mỹ đã thu hoạch một vụ ngô lớn kỷ lục 15,34 tỷ bushel. Báo cáo đã điều chỉnh nhu cầu ngô của Mỹ tăng thêm 75 triệu bushel, dẫn tới lượng tồn kho cuối kỳ vào khoảng 2,162 triệu bushel. Báo cáo này cũng dự báo giá ngô kỳ hạn giao tháng Ba năm ngoái có thể giảm thêm 15-25 xu xuống 4,30-4,40 USD/bushel. Dự trữ ngô thế giới đã tăng khoảng 10 triệu tấn lên 325 triệu tấn.

Năng suất đậu tương năm ngoái của Mỹ đã tăng thêm 0,7 mẫu Anh, nâng tổng sản lượng lên 4,165 triệu bushel, tăng 24 triệu bushel so với tháng 11/2023. Báo cáo dự báo nhu cầu đậu tương của Mỹ không thay đổi, còn dự trữ đậu tương giai đoạn 2023-2024 tăng lên 280 triệu bushel.

Vụ đậu tương năm nay của Brazil đã giảm 4 triệu tấn xuống còn 157 triệu tấn, trong khi vụ đậu tương của Argentina tăng 2 triệu tấn lên 50 triệu tấn. Dự trữ đậu tương thế giới niên vụ 2023-2024 giữ ổn định ở mức 114 triệu tấn.

Thu hoạch đỗ tương.( Ảnh: THX/TTXVN)

Báo cáo này đã hạ dự trữ lúa mỳ niên vụ 2023-2024 của Mỹ xuống còn 648 triệu bushel. Dự trữ lúa mỳ của Liên minh châu Âu (EU) tăng 2,5 triệu tấn do nhập khẩu tăng và xuất khẩu giảm. Dự trữ lúa mỳ thế giới tăng 2 triệu tấn lên 260 triệu tấn.

Sự chú ý của thị trường hiện đang chuyển tới dữ liệu năng suất đậu tương của Brazil trong những tuần tới.

Thị trường càphê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London có xu hướng đi ngược chiều. Giá càphê Robusta giao tháng Ba tới tăng 1 USD, lên 2.939 USD/tấn; trong khi giá càphê Robusta giao tháng 5/2024 giảm 17 USD xuống 2.814 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng Bảy tới giảm 16 USD xuống 2.738 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì trên mức trung bình.

Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York đảo chiều giảm. Giá càphê Arabica giao tháng Ba tới giảm 4,05 xu xuống 180 xu/lb và giá càphê Arabica kỳ hạn giao tháng Năm tới giảm 3,65 xu xuống 177,35 xu/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch duy trì rất cao trên mức trung bình.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm 200-300 đồng, xuống dao động trong khung 69.800-70.400 đồng/kg.

Giá càphê Robusta kỳ hạn tại London tiếp tục điều chỉnh do các quỹ và đầu cơ chốt lời ngắn hạn, sau báo cáo về chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 12 của Mỹ thấp hơn dự kiến khiến kỳ vọng cắt giảm lãi suất tăng lên. Chỉ số đồng USD tiếp nối đà tăng khi dòng vốn đầu cơ lựa chọn làm nơi trú ẩn trong ngắn hạn.

Trong khi đó, giá càphê kỳ hạn ở New York sụt giảm trở lại do Climatempo TV dự báo các vùng trồng càphê chính ở phía đông nam Brazil sắp có mưa với lượng rất đáng kể sẽ hỗ trợ tốt cho vụ mùa Arabica của năm bội thu theo chu kỳ “hai năm một” sắp tới.

Công bố mới nhất của Viện Địa Lý và Thống kê Brazil (IBGE) cho thấy sản lượng của niên vụ 2023/2024 dự kiến đạt xấp xỉ 58,9 triệu bao loại 60kg, bao gồm 40,9 triệu bao càphê Arabica và 18 triệu bao Conilon Robusta. Tuy nhiên Hội đồng Càphê Quốc gia (CNC) nhấn mạnh sự không chắc chắn của vụ thu hoạch khi cho rằng mưa đã quá nhiều trong thời gian quả chín đã gây khó khăn cho việc dự báo chính xác hơn.

Lo ngại nguồn cung từ châu Á càng thắt chặt hơn tiếp tục hỗ trợ giá càphê giao dịch trên sàn London trong ngắn hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục