Thực hiện chuyển đổi 2ha cây trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng chanh dây, gia đình ông Trần Văn Hương, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, Gia Lai, đã nếm được "vị ngọt" của chanh dây.
Theo ông Hương, giá trị kinh tế cây chanh dây mang lại rất cao so với các cây trồng truyền thống trong vùng.
Bên cạnh đó, việc được hướng dẫn kỹ thuật canh tác, cung ứng giống chất lượng nên người dân rất an tâm sống cùng cây chanh dây.
“Trước đây chỉ trồng hoa màu ngắn ngày, hiệu quả kinh tế rất thấp. Nhưng từ khi chuyển sang trồng chanh dây là hướng đi mới bà con mạnh dạn chuyển đổi để đạt hiệu quả cao. Cách đây 2 năm gia đình tôi trồng hơn 2ha, thu nhập cao, 1ha trừ chi phí thu được từ 200-300 triệu đồng. Tới đây tàn lứa chanh này tôi sẽ trồng tiếp 1-2ha nữa,” ông Hương cho biết.
Cùng nỗ lực phát triển kinh tế với những cây ăn quả giá trị cao như bơ, mít, nhưng do chất đất, điều kiện thổ nhưỡng không ưu ái nên cây bơ, mít không mang lại được cho gia đình ông Nguyễn Văn Thắng (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) nguồn thu nhập ổn định.
Vì thế, gia đình ông Thắng quyết định chuyển đổi sang trồng chanh dây. Dù những ngày đầu làm quen với cây chanh dây còn gặp nhiều khó khăn, nhưng về mặt giá trị kinh tế mang lại thì cây chanh dây đã khẳng định được vị thế của nó.
Ông Nguyễn Văn Thắng chia sẻ: Trước đây ông trồng bơ, bưởi và mít nhưng đất không phù hợp nên hiệu quả kinh tế không cao, vì thế ông đã chuyển sang trồng chanh dây.
So với cây trồng bưởi, mít, bơ thì cây chanh dây mang lại lợi nhuận cao hơn nhiều, thị trường và giá cả ổn định hơn.
Tỉnh Gia Lai hiện có khoảng 21.500ha cây ăn quả, riêng chanh dây có khoảng 4.500ha.
Gia Lai được thiên nhiên ưu ái về điều kiện tự nhiên như khí hậu ôn hòa, đất đai rộng lớn và màu mỡ, phù hợp với việc phát triển những cánh đồng chanh dây lớn.
Để cây chanh dây trở thành "cây triệu đô,” tỉnh Gia Lai đã có những chủ trương, chính sách đặc thù cho cây chanh dây; trong đó, nỗ lực mở rộng diện tích cây chanh dây từ 4.500ha hiện có lên đến 20.000ha vào năm 2025.
Diện tích chanh dây hiện được trồng chủ yếu ở các địa phương như Đak Đoa (1.080ha), Ia Grai (962ha), Chư Prông (714ha), Chư Sê (474ha), Mang Yang (302ha), Kbang (211ha), Chư Pưh (149,1ha) và thành phố Pleiku (230 ha)...
Cơ cấu giống chanh dây chủ yếu là Đài Nông 1, Đồng Giao 1 (ĐG1).
Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 2.470ha chanh dây ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; gần 2.500ha chanh dây sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.
Bên cạnh đó, việc cung ứng giống, thu mua, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm từ chanh dây đang được thực hiện hiệu quả đã và đang mở ra cơ hội lớn cho chanh dây phát triển.
Tỉnh đã bình tuyển, công nhận 8 vườn cây chanh dây đầu dòng với 1.195 cây, hàng năm có khả năng cung cấp khoảng 2,65 triệu hom giống, đảm bảo cho diện tích trồng mới từ 4.240-5.300ha/năm.
[Gia Lai mở rộng diện tích chanh dây đến 20.000ha vào năm 2025]
Đặc biệt, giá cả ổn định, thị trường bền vững đã đưa cây chanh dây được xếp vào nhóm “cây triệu đô.”
Trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 25 cơ sở, có công suất thiết kế đảm bảo sơ chế, chế biến, bảo quản từ 150.000-160.000 tấn nguyên liệu trái cây/năm.
Riêng Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao - Chi nhánh Gia Lai (Doveco Gia Lai) chế biến sâu sản phẩm chanh dây với công nghệ, thiết bị hiện đại, công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm.
Mạng lưới kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm chanh dây của Gia Lai khá đa dạng và phong phú; ngoài tiêu thụ tại các chợ đầu mối và Trung tâm Thương mại Pleiku, sản phẩm chanh dây được thương lái thu mua, cung cấp cho các thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, thông qua doanh nghiệp đã xuất khẩu chanh dây sang các thị trường, điển hình như EU.
Có thể thấy, chỉ sau 1 thời gian ngắn có mặt, cây chanh dây đã khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ nông nghiệp của tỉnh Gia Lai bằng chính hiệu quả mà nó đem lại. Đặc biệt, từ việc sản phẩm chanh dây được xuất khẩu chính ngạch vào EU, Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho loại cây trồng này trở thành “cây triệu đô.”
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai đã chủ trương áp dụng tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổ chức sản xuất nông nghiệp với diện tích hiện tại khoảng 9.000ha, tập trung vào 2 loại cây chủ lực là chanh dây và chuối.
Cùng đó là những sự đầu tư xây dựng nhà máy, dây chuyền sản xuất đặc thù cho cây chanh dây càng mở ra cơ hội lớn cho cây chanh dây xây dựng vị thế.
Tỉnh Gia Lai cũng đang nỗ lực cụ thể hóa mục tiêu 20.000ha chanh dây vào năm 2025, ngoài việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giống, thu mua, chế biến sản phẩm, tỉnh Gia Lai còn có nhiều giải pháp đồng bộ như ưu tiên quỹ đất; xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn... cho cây ăn quả một cách bền vững; trong đó có sản phẩm chanh dây.
Ông Lưu Trung Nghĩa, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, cho biết để đưa cây chanh dây trở thành "cây trồng triệu đô," trong thời gian tới tỉnh Gia Lai sẽ nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với nhau để tạo vùng nguyên liệu, xây dựng những vùng trồng.
Từ đó, các doanh nghiệp, người dân của Gia Lai sản xuất trái chanh dây có trách nhiệm và chất lượng để phục vụ cho việc xuất khẩu.
Ngành nông nghiệp cùng với các doanh nghiệp sản xuất các khu giống để phát triển cây chanh dây bền vững./.
Tây Nguyên hiện là địa bàn trồng chanh dây lớn nhất cả nước với tổng diện tích gần 10.000ha; trong đó, Gia Lai hiện có khoảng 4.500ha trồng cây chanh dây, chiếm diện tích lớn nhất của cả nước. Với năng suất bình quân 40 tấn/ha, cây chanh dây cho thu nhập bình quân từ 250-300 triệu đồng/năm. So với nhiều loại cây trồng khác, cây chanh dây đang cho thấy hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. |