Sông Ba chảy qua huyện Krông Pa (Gia Lai) đang ngày càng biến đổi khó lường, đe dọa đến tính mạng của nhiều người dân sinh sống dọc ven sông.
Nhiều hộ dân ở buôn H’Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa không những bị thiệt hại nặng về tài sản mà còn phải sống trong sự bất an bởi những tác động từ sông Ba, nhất là vào mỗi mùa mưa lũ.
Để giúp các hộ dân ở buôn H’Lang ổn định cuộc sống, Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai đã Quyết định phê duyệt dự án Đầu tư xây dựng công trình sắp xếp, ổn định dân cư tại buôn H’Lang.
Dự án do Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pa làm chủ đầu tư, bắt đầu triển khai vào cuối năm 2020 với tổng kinh phí đầu tư 19 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 15 tỷ đồng, còn lại là ngân sách huyện Krông Pa.
Đến nay, việc giải phóng mặt bằng khu đất với tổng diện tích 6,81ha tại buôn Du, xã Chư Rcăm đã hoàn thành.
Khu đất này dành để cấp cho 102 hộ (100% là đồng bào Jrai) hiện sinh sống tại buôn H’Lang di dời nhà cửa đến sinh sống và dùng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Bình quân, mỗi hộ được cấp 400 m2 gồm đất ở và đất vườn. Hiện nay, những hộ dân này đã ổn định cuộc sống nơi ở mới.
Tuy nhiên, đất sản xuất của họ vẫn ngày một ít dần đi do mỗi năm có hàng chục km sông Ba ở địa bàn huyện Krông Pa bị sạt lở. Hàng trăm ha đất sản xuất đã hóa thành lòng sông. Sạt lở sông cũng uy hiếp nhiều công trình của nhà nước và nhà dân.
[Quảng Ngãi: Triều cường gây sạt lở nghiêm trọng bờ biển xã Bình Châu]
Ông Rơ Lah Kem, buôn H'Lang, xã Chư Rcăm, huyện Krrông Pa cho biết: "Gần 2ha đất trồng sắn của gia đình tôi đã thành lòng sông gần hết do mỗi năm đều bị sạt lở xuống sông. Hiện gia đình tôi chỉ còn lại mấy chục m2 đất trồng sắn."
Cùng cảnh ngộ, ông Rơ Châm Bia chia sẻ: "Sông Ba đã cuốn trôi gần 2ha đất sản xuất của gia đình tôi. Hiện tại gia đình tôi và nhiều hộ lân cận không còn đất sản xuất. Chúng tôi rất mong chính quyền địa phương cấp đất để cho bà con sản xuất, ổn định cuộc sống."
Theo Ủy ban Nhân dân xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, Sông Ba qua xã Chư Rcăm có chiều dài gần 5km. Từ nhiều năm qua, sạt lở sông Ba đã ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trên địa bàn xã có khoảng 100ha đất trồng mì, thuốc lá dọc sông bị mất trắng. Có hộ mất toàn bộ đất đã thành hộ nghèo.
Ủy ban Nhân dân xã Chư Rcăm kiến nghị bổ sung cấp đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất bị mất do sông lấn.
Bên cạnh đất sản xuất tiếp tục mất do sạt lở sông thì hiện còn nỗi lo lớn là đang tồn tại một điểm xung yếu trên quốc lộ bị đe dọa, nguy cơ gây sạt lở quốc lộ, làm mất đường.
Ông Hồ Văn Thảo, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pa cho biết sông Ba chảy qua huyện có chiều dài 45km trên địa bàn 12 xã, thị trấn. Tình trạng sạt lở sông khiến đất nông nghiệp bị sạt lở rất nhiều, nặng nhất xảy ra tại 2 xã Ia Rsai và Chư Rcăm.
Bao năm qua, sạt lở sông Ba ngoài làm mất đất sản xuất còn cuốn trôi nghĩa địa buôn H'Lang, xã Chư Rcăm, đồng thời uy hiếp cả trăm hộ dân sống dọc sông.
Cũng theo ông Thảo, nếu làm kè để chống sạt lở sông Ba thì cần kinh phí lớn. Địa phương không có kinh phí thực hiện.
Trước mắt, chính quyền địa phương đã tập trung xử lý, khắc phục những điểm xung yếu, có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản nhà nước cũng như nhà, công trình của dân. Trong đó, đối với tài sản là cầu Lệ Bắc, Quốc lộ 25, nhà nước làm kè 2 bên cầu tại điểm nguy cơ cao.
Huyện Krông Pa cũng đã di dời 102 hộ buôn H'Lang, xã Chư Rcăm sống giáp sông có nguy cơ sạt lở lên vùng an toàn.
Hiện tại, cầu treo Ia Rsai cũng bị sạt lở mố cầu, nguy cơ nếu không khắc phục sẽ bị cuốn bay, mất tài sản nhà nước, không có đường đi cho dân. Vì thế, Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pa đang kiến nghị tỉnh Gia Lai hỗ trợ kè lại mố cầu; còn đất sản xuất, không biết khi nào mới khắc phục được tình trạng mất đất sản xuất./.