Giá mỳ ăn liền tại Hàn Quốc tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2009

Giá mỳ ăn liền ở Hàn Quốc từng tăng 3,5% vào tháng 9/2022 sau đó một tháng tăng lên 11,7% và tới tháng 5/2023 đã ghi nhận đà tăng 8 tháng liên tiếp ở mức trên 10%.
Mỳ ăn liền được bày bán tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc dẫn số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Hàn Quốc (KS) công bố ngày 5/6 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của mặt hàng mỳ ăn liền ở Xứ Kim chi trong tháng 5/2023 vừa qua đạt 124,04 điểm, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2022.

Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ sau mức tăng 14,3% của năm 2009 (giai đoạn xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu).

Cụ thể, giá mỳ ăn liền ở Hàn Quốc từng tăng 3,5% vào tháng 9/2022 sau đó một tháng tăng lên 11,7% và tới tháng 5/2023 đã ghi nhận đà tăng 8 tháng liên tiếp ở mức trên 10%.

[Thế giới chi gần 210 triệu USD mua mỳ ăn liền của Hàn Quốc từ đầu năm]

Một trong những nguyên nhân được giới phân tích đưa ra là bởi các doanh nghiệp sản xuất mỳ ăn liền của Hàn Quốc đã đồng loạt tăng giá sản phẩm do gánh nặng giá nguyên liệu đầu vào.

Vào tháng 9/2022, hãng thực phẩm Nongshim (Hàn Quốc) tăng bình quân 11,3% giá các loại mỳ ăn liền trong khi 2 hãng thực phẩm khác của Hàn Quốc là Paldo và Ottogi cũng tăng giá mỳ ăn liên lần lượt 9,8% và 11%.

Hãng thực phẩm Samyang (Hàn Quốc) cũng đã tăng giá bình quân 9,7% các loại mỳ ăn liền vào tháng 11/2022.

Bất chấp giá tiêu dùng ở Xứ Kim chi đang có chiều hướng hạ nhiệt, trung bình cứ 4 mặt hàng ăn uống phổ biến nhất ở đây lại có một mặt hàng tăng giá trên 10% trong tháng 5/2023.

Trong tổng số 112 mặt hàng ăn uống và thực phẩm chế biến được KS khảo sát, có tới 31 mặt hàng (chiếm 27,7%) có mức tăng giá trên 10%.

Riêng các loại mứt có mức tăng giá cao nhất là 35,5%, sau đó tới phô mai tăng 21,9%, chả cá Eomuk tăng 19,7%, sữa đậu nành tăng 12%, càphê tăng 12%, bánh mỳ  tăng 11,5%, hamburger tăng 10,3%, cơm cuộn lá kim (kimbap) tăng 10,1% và kim chi (dưa cải muối) tăng 10,1%.

Về tổng thể, mức tăng giá các mặt hàng thực phẩm chế biến ở Hàn Quốc hiện cũng đã chững lại so với tháng 5/2023 vừa qua song vẫn ở mức cao gấp hơn 2 lần so với mức tăng giá tiêu dùng nói chung.

Giá dịch vụ ăn uống cũng tăng 6,9% so với cùng thời điểm của năm 2022 và mặc dù đã thấp hơn so với tháng trước nhưng vẫn ở mức cao.

Chính phủ Hàn Quốc nhận định mức tăng giá tiêu dùng trong tháng 6/2023 này sẽ giảm đáng kể do ảnh hưởng của hiệu ứng cơ sở và giá cả các mặt hàng này trong thời gian tới sẽ có chiều hướng đi vào ổn định.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cũng đưa ra dự báo rằng mức tăng giá tiêu dùng sẽ giảm xuống ngưỡng 2% cho tới giữa năm 2023 rồi sau đó lại tăng lên ngưỡng 3% vào cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục