Theo Cục Chăn nuôi-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ cuối tháng 5/2022, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi có xu hướng giảm nhẹ.
Dự báo trong thời gian tới, giá một số nguyên liệu chính có thể giảm nhưng không nhiều.
Hiện nay, giá một số nguyên liệu chính giảm so với bình quân trong tháng Sáu, cụ thể giá ngô hạt 8.600 đồng/kg, giảm 5,5%; khô dầu đậu tương 14.050 đồng/kg, giảm 0,4%; cám gạo chiết ly 5.550 đồng/kg, giảm 0,3%; riêng bã ngô vẫn giữ nguyên là 10.500 đồng/kg.
Tuy nhiên, mới đây, giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh tăng do một số doanh nghiệp phải sử dụng nguyên liệu thức ăn giá cao nhập trước đó. Cụ thể, thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu 13.000 đồng/kg (tăng 0,3%); thức ăn hỗn hợp cho lợn thịt 13.350 đồng/kg (tăng 1,1%) và thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng 13.800 đồng/kg (tăng 1,4%).
Nhìn lại trong 6 tháng đầu năm 2022, Cục Chăn nuôi cho biết do ảnh hưởng của giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước đều tăng so với cùng kỳ 2021.
Cụ thể, giá trung bình nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô từ 6.617 đồng/kg lên 9.048 đồng/kg; khô đậu tương từ 13.091 đồng/kg lên 14.699 đồng/kg; bã ngô (DDGS) từ 8.848 đồng/kg lên 10.187 đồng/kg...
Do đó, giá thức ăn chăn nuôi trung bình 6 tháng đầu năm cũng tăng khá so 6 tháng đầu năm 2021, như thức ăn hỗn hợp lợn thịt vỗ béo từ 10.746 lên 12.648 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu từ 10.885 đồng/kg lên 12.497 đồng/kg; thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông trắng từ 11.207 đồng/kg lên 13.193 đồng/kg...
[Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, nông dân lo lắng chuyện tái đàn]
Đến hết tháng 6/2022, cả nước đã nhập khẩu 8,5 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (bao gồm cả thức ăn thủy sản), giá trị tương ứng là 3,7 tỷ USD, giảm khoảng 33,11% về số lượng và 8,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số đó, ngô 3,7 triệu tấn, giảm khoảng 52,3% về số lượng và 14,71% về giá trị; khô dầu các loại 2,2 triệu tấn giảm 39,65% về số lượng và 25,5% về giá trị; DDGS 0,43 triệu tấn, giảm 39,8% về số lượng và 17,3% về giá trị; lúa mỳ 0,73 triệu tấn, giảm 3,7% về số lượng, tăng 24,26% về giá trị.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp 6 tháng đạt khoảng 10,5 triệu tấn tương đương so với 6 tháng đầu năm 2021; trong đó thức ăn cho lợn (chiếm khoảng 55% tổng sản lượng) tăng khoảng 13,2%, cho gia cầm (chiếm 40%) giảm khoảng 8,6%, loại khác (chiếm 5%) giảm khoảng 12,5%./.