Giá vàng trên thị trường châu Á giảm trong phiên 23/2, nhưng hướng đến tuần tăng giá đầu tiên trong ba tuần trong bối cảnh đồng USD suy yếu và căng thẳng tại Trung Đông leo thang làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý này.
Khoảng 15 giờ 20 phút theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 2.020,7 USD/ounce, nhưng hướng đến mức tăng 0,4% trong tuần này. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ tăng 0,1% lên 2.031,6 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD đã hướng đến tuần giảm đầu tiên trong gần hai tuần, khiến kim loại được giao dịch bằng đồng tiền này bớt đắt đỏ hơn cho những người mua nước ngoài.
Tuy nhiên, số liệu gần đây cho thấy giá tiêu dùng và giá sản xuất của Mỹ đã tăng cao hơn dự kiến, làm lu mờ hy vọng về một đợt cắt giảm lãi suất sớm từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và khiến đà tăng của vàng bị hạn chế.
Ngày 22/2, Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết các nhà hoạch định chính sách sẽ trì hoãn cắt giảm lãi suất trong ít nhất vài tháng tới để xem xét số liệu lạm phát.
Theo công cụ CME Fed Watch, thị trường hiện đang đoán định có 62% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong tháng 6/2023. Lãi suất thấp làm tăng sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lời như vàng.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạch kim giao ngay giảm 0,1% xuống 900,80 USD/ounce. Còn giá palladium giảm 0,3% xuống 964,80 USD/ounce. Giá bạc giảm 0,5% xuống 22,65 USD/ounce.
Khoảng 16 giờ 07 phút, tại Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 76,30-78,52 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Giá dầu châu Á giảm sau khi Fed tuyên bố không vội vàng cắt giảm lãi suất
Giá dầu châu Á đã giảm trong phiên 23/2, kết thúc chuỗi hai tuần tăng giá liên tiếp trước đó, sau khi một quan chức của Fed cho biết việc cắt giảm lãi suất sẽ bị trì hoãn ít nhất trong hơn hai tháng nữa. Tuy nhiên, các dấu hiệu cho thấy nhu cầu khỏe mạnh và những lo ngại về nguồn cung có thể đẩy giá dầu tăng trong những ngày tới.
Khép phiên này, giá dầu Brent biển Bắc giảm 44 xu (0,5%) xuống 83,23 USD/thùng. Còn giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) giảm 48 xu (0,5%) xuống 78,13 USD/thùng.
Thống đốc Fed Christopher Waller ngày 22/2 cho biết các nhà hoạch định chính sách nên hoãn việc cắt giảm lãi suất ít nhất một vài tháng nữa để xem xét liệu tình trạng lạm phát gia tăng gần đây có phải là dấu hiệu cản trở tiến trình ổn định giá cả hay không.
Lãi suất cao hơn khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại, điều này có thể hạn chế nhu cầu dầu tại quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới này. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng nhu cầu nhìn chung vẫn ở mức tốt, kể cả ở Mỹ.
Các nhà phân tích tại ngân hàng ANZ cho biết lượng dầu dự trữ trong các kho của Mỹ đã tăng với tốc độ chậm hơn dự kiến trong tuần trước, trong khi công suất hoạt động tại các nhà máy lọc dầu đã chấm dứt chuỗi sụt giảm và có thể tăng trong những tuần tới.
Ngày 23/2, các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan công bố kết quả đánh giá của riêng mình cho thấy nhu cầu dầu đang tăng 1,7 triệu thùng/ngày so với tháng trước tính đến ngày 21/2. Con số này cao hơn so với mức tăng 1,6 triệu thùng/ngày ghi nhận được trong tuần trước đó, nhờ nhu cầu đi lại tại Trung Quốc và châu Âu tăng lên.
Fed đã giữ lãi suất chính sách ổn định trong khoảng 5,25% -5,5% kể từ tháng 7/2023 và biên bản cuộc họp chính sách vào tháng trước cho thấy hầu hết các ngân hàng trung ương đều lo lắng về việc nới lỏng chính sách quá nhanh.
Ông Waller cũng bác bỏ ý kiến cho rằng Fed có nguy cơ khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái nếu chờ đợi quá lâu để cắt giảm lãi suất, đồng thời cho biết Fed có đủ khả năng để "chờ thêm một chút."
Trước đó, giá dầu đã tăng khi căng thẳng tại Biển Đỏ leo thang khi lực lượng Houthi tăng cường các cuộc tấn công gần Yemen.
Chứng khoán châu Á tiếp tục đà tăng
Chứng khoán châu Á tiếp tục đà tăng trong phiên ngày 23/2, sau khi đạt mức cao kỷ lục tại các thị trường Nhật Bản, Mỹ và châu Âu trong phiên trước đó nhờ nhu cầu về chip hỗ trợ AI thúc đẩy lợi nhuận của các công ty công nghệ.
Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong đi ngang ở mức 16.748,85 điểm, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 0,6% lên 3.004,88 điểm.
Thị trường Tokyo đóng cửa nghỉ lễ, sau khi chỉ số Nikkei 225 ghi nhận mức kỷ lục trong phiên trước đó, vượt qua cả mức cao kỷ lục được thiết lập vào năm 1989, với mức tăng 2,2% lên 39.098,68 điểm nhờ lực đẩy từ cổ phiếu Nvidia.
Chứng khoán Sydney, Seoul, Đài Bắc, Wellington, Mumbai, Manila và Kuala Lumpur đều tăng, còn chứng khoán Bangkok, Jakarta và Singapore giao dịch trong vùng đỏ.
Cổ phiếu của Nvidia trong phiên ngày 22/2 đã tăng 16%, đưa giá trị thị trường của công ty này lên gần 2.000 tỷ USD, sau khi công ty này báo cáo lợi nhuận hàng quý tăng lên 12,3 tỷ USD nhờ doanh thu cao kỷ lục.
Các nhà đầu tư đã ăn mừng trước báo cáo lợi nhuận bội thu của “gã khổng lồ” chip Nvidia của Mỹ, vốn được coi là “đầu tàu” cho sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo. Sự phấn khích được tạo ra nhờ Nvidia và AI đã thúc đẩy giá cổ phiếu công nghệ tăng mạnh hơn, trong đó Phố Wall và chứng khoán châu Âu đều đạt kỷ lục mới.
Giá cổ phiếu của các “gã khổng lồ” công nghệ khác như Meta, chủ sở hữu Facebook, Amazon và Microsoft, đều là những khách hàng lớn của Nvidia, cũng tăng.
Ngày 22/2, ba quan chức của Fed đã đánh tín hiệu về việc cắt giảm lãi suất có thể diễn ra vào cuối năm, trong đó một quan chức nói rằng ông muốn xem xét số liệu lạm phát của ít nhất một vài tháng nữa trước khi quyết định thời điểm bắt đầu hạ lãi suất.
Tại Việt Nam, chỉ số VN-Index giảm 15,31 điểm (1,25%) xuống 1.212 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm 2,93 điểm (1,25%) xuống 231,08 điểm./.
Nhà sản xuất chip Nvidia đưa chỉ số S&P 500 lên đỉnh mới
Chỉ số S&P 500 leo lên mức đỉnh mới, tăng 2,11% lên 5.087,03 điểm sau khi “gã khổng lồ” ngành sản xuất chip Nvidia công bố kết quả kinh doanh hàng quý tốt hơn nhiều so với dự báo.