Cập nhật lúc 14 giờ 45 phút ngày 5/3, giá vàng trong nước đã thiết lập kỷ lục mới với mức niêm yết trên 69 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Hà Nội, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 950.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 67,9-69,22 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Cũng tại thị trường Hà Nội, Công ty CP Tập đoàn Doji niêm yết giá vàng SJC ở mức 67,75-69 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra), tương đương mức tăng 1,45 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,35 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, ở mức 67,9-69,1 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).
Như vậy, chỉ trong 2 ngày 4-5/3, giá vàng trong nước liên tục cán mốc 67-68-69 triệu đồng/lượng. Với mức tăng nóng này, giá vàng đã tăng 3,2 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 5% trong tuần qua.
[Căng thẳng Nga-Ukraine khiến giá vàng tiến hơn 4% trong tuần qua]
Trước đó, giá vàng đã liên tục tăng từ đầu tuần 28/2. Giới chuyên gia nhận định, giá vàng đang rất "nóng" do ảnh hưởng chủ yếu bởi thông tin căng thẳng Nga-Ukraine. Do vậy, việc tăng hay giảm giá vàng thời gian tới phụ thuộc lớn vào diễn biến và hành động của hai nước.
Tương tự, trên thị trường thế giới, giá vàng đã có một tuần khá "rực rỡ" với 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm.
Chốt phiên 4/3, giá vàng thế giới tăng hơn 1%, giữa lúc các nhà đầu tư ngày một lo lắng về diễn biến phức tạp xung quanh cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine. Giá vàng kỳ hạn Mỹ phiên này đã tăng 30,7 USD, tương đương 1,6% lên 1.966,60 USD/ounce.
Với mức tăng khá tốt trong phiên này, giá vàng đã tiến thêm 4,2% trong tuần qua, đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất đối với một hợp đồng kỳ hạn kể từ tháng 7/2020.
Thông tin về việc nhà máy hạt nhân của Ukraine bị tấn công đang làm dấy lên lo ngại rằng xung đột giữa nước này với Nga đang trở nên nguy hiểm hơn.
Giữa bối cảnh như vậy, nhà phân tích Ole Hansen của Ngân hàng Saxo cho hay cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng cho giá kim loại quý này tăng cao hơn nữa.
Điều đó không chỉ do hoạt động trú ẩn an toàn ngắn hạn, mà quan trọng hơn là do căng thẳng này sẽ có ý nghĩa ra sao đối với tình hình lạm phát, tăng trưởng và kỳ vọng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
Giới quan sát lưu ý thị trường vàng phần lớn đã "phớt lờ" mức tăng 1% của đồng USD, vốn cũng là một kênh trú ẩn an toàn, cùng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối tháng này sau số liệu việc làm mới nhất.
Vàng cũng không phản ứng nhiều với báo cáo hàng tháng về thị trường lao động Mỹ mới được công bố hôm 4/3.
Theo số liệu do Bộ Lao động Mỹ đưa ra, nền kinh tế lớn nhất thế giới đã có thêm 678.000 việc làm trong tháng Hai, nhiều hơn mức dự báo 440.000 việc làm của giới phân tích. Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 4% xuống 3,8%.
Ông Jeff Wright, Giám đốc đầu tư tại Công ty Môi giới tài chính Wolfpack Capital cho biết dữ liệu tuy tốt hơn dự đoán nhưng không ảnh hưởng lớn đến giá vàng. Điều này chủ yếu do tình hình tại Ukraine đang là tâm điểm chú ý của nhà đầu tư.
Ông lưu ý số việc làm phi nông nghiệp không chỉ vượt ước tính thị trường mà tỷ lệ tham gia của lao động đã tăng lên 62,3% - một dấu hiệu cho thấy thị trường việc làm của Mỹ "khỏe mạnh" hơn và có khả năng giúp hạ nhiệt lạm phát tiền lương./.