Giá dầu thế giới liên lục sụt giảm trong thời gian gần đây, đặc biệt giá dầu thô ngọt nhẹ WTI kỳ hạn giao tháng 5/2020 trên sàn Nymex của New York đóng cửa ngày 20/4 ở mức -37,63 USD/thùng.
Giá dầu giảm mạnh sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế và mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.
- Thưa ông, thời gian vừa qua, giá xăng dầu trên thế giới liên tục sụt giảm. Việc sụt giảm đó có tác động như thế nào đối với nền kinh tế của Việt Nam?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Việt Nam là nước nhập khẩu khá nhiều dầu thô để chế biến và nhập khẩu xăng dầu để sử dụng cho sản xuất và tiêu dùng. Do đó, việc giá dầu sụt giảm sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước.
Cụ thể, xăng dầu là nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành kinh tế, việc giảm giá xăng dầu làm cho chi phí sản xuất giảm, giá thành sản phẩm giảm, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Tiếp đến, khi giá xăng dầu giảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cũng sẽ giảm.
[Video] Giá dầu sụp đổ đe dọa nghiêm trọng tới nền kinh tế toàn cầu
Thực tế, trong mấy tháng vừa qua, cùng với một số nguyên nhân khác, giá xăng dầu giảm là yếu tố quan trọng khiến chỉ số giá tiêu dùng của cả nước tháng 2, tháng 3 và tháng 4 giảm, giúp cho CPI bình quân của quý 1 và 4 tháng đầu năm 2020 giảm dần so với CPI bình quân của tháng 1 và 2 tháng đầu năm 2020.
Điều này giúp cho việc kiểm soát lạm phát của nền kinh tế có khả năng thấp hơn mục tiêu 4% của Quốc hội đặt ra. Cho nên, nền kinh tế sẽ có lợi trong kiểm soát CPI.
- Thưa ông, Việt Nam là một quốc gia vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu xăng dầu, vậy việc giảm giá xăng dầu sẽ tác động như thế nào đến chỉ số khai thác dầu thô của Việt Nam?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Việt Nam vừa khai thác để xuất khẩu và vừa nhập khẩu dầu thô nên việc sụt giảm giá dầu thô sẽ có tác động 2 chiều, trước hết là nước khai thác dầu để xuất khẩu, việc giảm giá dầu thô sẽ làm giảm giá trị của sản lượng khai thác.
Thứ hai kế hoạch khai thác dầu thô của Việt Nam năm sau thấp hơn năm trước vì trữ lượng của các mỏ không nhiều; giá trị của khai thác dầu thô chỉ chiếm khoảng 70% trong ngành công nghiệp khai khoáng và toàn bộ công nghiệp khai khoáng chỉ chiếm khoảng 12% trong toàn ngành công nghiệp.
Cho nên việc dầu thô giảm giá sẽ không tác động nhiều đến tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế.
Nhưng ở chiều ngược lại khi dầu thô giảm giá thì giá xăng dầu suy giảm. Chúng ta nhập khẩu xăng dầu với giá rẻ hơn sẽ tác động làm giảm giá thành sản phẩm trong nước, từ đó kích thích sản xuất. Đó là điểm lợi đối với nền kinh tế của Việt Nam hiện nay.
- Với những thay đổi của giá xăng dầu, Tổng cục Thống kê có kế hoạch xây dựng kịch bản trong tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như thế nào, thưa ông?
Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm: Thực ra, giảm giá xăng dầu lần này trong giai đoạn rất đặc biệt. Có thể nói rằng, trong lịch sử chưa bao giờ có chuyện giảm giá sâu như thế.
Như chúng ta đã biết, giá dầu WTI chốt phiên ngày 20/4 giảm 37,63 USD/thùng trong bối cảnh Nga và các nước OPEC vừa có thỏa thuận lịch sử cắt giảm sản lượng khai thác 10 triệu thùng/ngày, đưa sản lượng khai thác về mức trước khi có “cuộc chiến.”
Trong bối cảnh tất cả nền kinh tế trên thế giới đều đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 làm cho mọi hoạt động ngừng trệ, khả năng tiêu thụ xăng dầu cần thời gian dài để phục hồi bằng mức khi nền kinh tế hoạt động bình thường như trước khi xảy ra dịch COVID-19.
Do đó, dầu thô giảm giá vào thời điểm này không có tác dụng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng, đồng thời sẽ không tác động đến nền kinh tế của các nước trên thế giới và Việt Nam. Tôi nhấn mạnh giá xăng dầu giảm sâu sẽ chỉ tác động khi nền kinh tế ổn định.
- Xin cảm ơn ông./.