Vì sao giá dầu Brent lại không trải qua một ngày 'điên rồ'?

Theo nhiều nhà phân tích và giao dịch dầu mỏ, mấu chốt không dẫn tới sự sụp đổ của giá dầu Brent là do loại dầu này có phương thức giao dịch khác với dầu WTI.
Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở New York, Mỹ ngày 20/4. (Ảnh: THX/TTXVN)
Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở New York, Mỹ ngày 20/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường dầu mỏ thế giới chắc chắn sẽ không thể nào quên ngày “lịch sử” 20/4 (rạng sáng 21/4 theo giờ Việt Nam) khi giá dầu ngọt nhẹ West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ lần đầu tiên giảm xuống mức âm, có lúc rớt xuống -40,32 USD/thùng và chốt phiên ở mức -37,63 USD/thùng, trong bối cảnh tình trạng dư thừa nguồn cung trầm trọng do tác động của đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19.

Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là vì sao giá dầu Brent trên sàn giao dịch London (Anh) lại không trải qua một ngày “điên rồ” như vậy và hai loại dầu được coi là tham chiếu cho thị trường “vàng đen” toàn cầu này sẽ diễn biến như thế nào trong thời gian tới?

Dầu Brent tránh "vết xe đổ" của dầu WTI

Theo nhiều nhà phân tích và giao dịch dầu mỏ, mấu chốt không dẫn tới sự sụp đổ của giá dầu Brent là do loại dầu này có phương thức giao dịch khác với dầu WTI.

Sự đổ vỡ của giá dầu WTI  diễn ra trên khía cạnh kỹ thuật, khi các nhà đầu cơ “bán tháo” hợp đồng dầu giao tháng Năm tới vốn có thời điểm đáo hạn vào ngày 21/4.

Người mua hợp đồng này phải đưa ra quyết định có nhận lô dầu đã đặt hay không. Nếu nhận họ phải đóng hợp đồng và nhận hàng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều kho dự trữ dầu mỏ của Mỹ đã tới giới hạn, chi phí lưu trữ dầu mỏ quá cao; đồng thời nhu cầu tiêu thụ trên thế giới liên tiếp sụt giảm mạnh, việc các nhà đầu cơ dầu mỏ chọn giải pháp “sẵn sàng mất tiền” để cắt lỗ tối đa và và tránh phải nhận số dầu thực tế đã mua là điều có thể hiểu được.

Trong khi đó, các hợp đồng dầu Brent giao tháng Sáu tới có thời điểm đáo hạn vào ngày 30/4 tới. Dù được dự báo cũng sẽ đối mặt với những biến động rất mạnh về giá, đặc biệt là càng gần đến thời điểm hợp đồng đáo hạn, song giá dầu Brent không rơi vào tình cảnh “dở khóc” như dầu WTI.

Có hai lý do để đưa ra nhận định này. Thứ nhất là thời điểm đáo hạn và các yêu cầu giao nhận hàng của hai loại hợp đồng dầu mỏ này là khác nhau. Thứ hai, trong khi các hợp đồng kỳ hạn dầu Brent được tham chiếu bằng tiền mặt, các hợp đồng dầu WTI kỳ hạn được giải quyết bằng lượng dầu thực tế. Như vậy, có sự khác biệt về bản chất giao dịch giữa hai loại hợp đồng kỳ hạn này.

Việc giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt giúp dầu Brent tránh được nguy cơ rơi vào ngưỡng “giá âm” dù có sụt giảm mạnh. Vì vậy, trong phiên giao dịch ngày 20/4 vừa qua giá dầu Brent kỳ hạn vẫn được giao dịch quanh ngưỡng 25 USD/thùng.

Sang đầu phiên 21/4, giá dầu Brent kỳ hạn có lúc để mất ngưỡng 19 USD/thùng (còn 18,1 USD/thùng), song sau đó phục hồi nhẹ lên 19,33 USD/thùng vào cuối phiên.

[Giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 18 năm]

Nhà phân tích dầu mỏ Louise Dickson tại Rystad Energy nhận định: “Nếu quan sát mức giá dầu Brent giao ngay trên thị trường Biển Bắc, được giao dịch trong khoảng 15-18 USD/thùng, thì sự sụp đổ của dầu WTI kỳ hạn tháng 5/2020 thực tế không phải là cú sốc lớn.”

Xu hướng của thị trường dầu mỏ trong thời gian tới

Mức giá âm của dầu WTI dù chỉ là hiện tượng nhất thời xảy ra đối với hợp đồng tháng Năm tới, song đã ảnh hưởng lớn tới tâm lý của thị trường.

Sự đổ vỡ của giá dầu WTI cho thấy các nhà giao dịch dầu mỏ đã chấp nhận “từ bỏ” hợp đồng tháng Năm tới và dồn sự tập trung vào các hợp đồng kỳ hạn tháng Sáu tới và giai đoạn sau này.

Các hợp đồng dầu WTI tháng Sáu tới hiện đang được giao dịch quanh mức 20 USD/thùng và đây mới chính là chỉ dấu quan trọng để dự báo xu hướng vận động của thị trường.

Nếu bài toán lưu trữ dầu mỏ tại đầu mối Cushing của Mỹ không sớm được giải quyết, hay diễn ra các đợt mua vào chiến lược của một số chính phủ, sự lặp lại của giao dịch dầu WTI với mức giá âm cũng có thể xảy ra đối với các hợp đồng đáo hạn trong tháng Năm và tháng Sáu tới.

Trong khi đó, giá dầu Brent sẽ không rơi vào ngưỡng giá âm như dầu WTI, song chắc chắn cũng phải chịu những áp lực không nhỏ từ sự dư thừa nguồn cung trên thị trường.

Cho dù con số dưới 20 USD/thùng chưa phải là thảm họa đối với các công ty dầu mỏ, song phần lớn trong số họ khó có thể tồn tại nếu mức giá này duy trì trong một thời gian dài.

Trên bình diện thị trường dầu mỏ nói chung, mặc dù Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (nhóm OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày áp dụng trong tháng 5-6/2020, song con số này vẫn không giải quyết được bài toán dư cung trên thị trường do nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh. Điều khiến cho vấn đề trở nên tệ hơn là sự mất cân bằng cung-cầu có lẽ còn kéo dài hơn nữa.

Việc xây dựng các kho dự trữ dầu mỏ không chỉ đang diễn ra ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi khác. Các kho dự trữ dầu mỏ toàn cầu đã được lấp đầy hơn 70% công suất và ngày càng có nhiều dầu đổ vào mỗi ngày trước thời điểm thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ có hiệu lực.

Ước tính, sự mất cân đối cung-cầu tạm thời ở mức 25 triệu thùng/ngày sẽ bổ sung thêm tới 750 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ vào kho dự trữ toàn cầu chỉ trong tháng Tư này.

Vì sao giá dầu Brent lại không trải qua một ngày 'điên rồ'? ảnh 1Đổ xăng cho các phương tiện tại một trạm xăng ở Plano, Texas của Mỹ ngày 20/4. (Ảnh: THX/TTXVN)

Do đó, vào thời điểm OPEC+ cắt giảm sản xuất kể từ tháng Năm tới, sẽ có rất ít không gian lưu trữ dầu mỏ dự phòng còn lại. Như vậy, động thái cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ không thể giúp cân bằng thị trường ngay lập tức, các kho dự trữ dầu thô sẽ đứng trước áp lực rất lớn vào thời điểm cuối tháng Năm hoặc tháng Sáu tới. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc và đưa ra giải pháp quyết liệt hơn từ các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt trên thế giới.

Nhu cầu tiêu thụ thực tế sẽ phụ thuộc vào các hoạt động phong tỏa ở nhiều quốc gia sẽ kéo dài đến khi nào, cũng như hoạt động kinh doanh và vận tải hàng hóa bao giờ sẽ nhộn nhịp trở lại.

Chiến lược này dựa trên mức độ thành công trong kiểm soát dịch bệnh, cũng như không bùng phát một đợt lây nhiễm khác trong năm nay.

Bên cạnh đó, khả năng mở cửa trở lại để phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh ở một số nước vẫn có thể bị coi là một sự mạo hiểm, thậm chí là liều lĩnh khi chưa kiểm soát được dịch COVID-19 một cách chắc chắn.

Những “chính phủ thận trọng” trên thế giới còn mất thêm một khoảng thời gian hàng tháng trời trong trạng thái "chờ đợi" trước khi ra quyết định. Khi đó, tốc độ tăng trở lại của giá dầu sẽ còn bị kìm hãm.

Trong kịch bản tiêu cực đó, nền kinh tế không thể tái khởi động nhanh chóng và khi đó lượng dầu tồn kho sẽ còn tăng cao hơn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định chừng nào dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, nhu cầu dầu mỏ vẫn sẽ cực thấp. Vì vậy, giới phân tích cho rằng, giai đoạn sau tháng Nắm và tháng Sáu tới sẽ là thời điểm quan trọng đối với thị trường dầu mỏ và có mối tương quan chặt chẽ đối với những diễn biến của tình hình dịch bệnh.

Dù thế nào đi nữa, thị trường dầu mỏ toàn cầu cũng khó có thể quay trở lại thời kỳ đỉnh cao nhu cầu tiêu thụ 100 triệu thùng/ngày như trước đây, ít nhất là trong ngắn hạn.

Ngay cả khi dịch COVID-19 chấm dứt, những thay đổi trong thói quen sử dụng hướng tới các nguồn năng lượng thân thiện với môi trường hơn cũng sẽ tạo ra những thay đổi vĩnh viễn trên thị trường “vàng đen”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.