Trong lúc còn đang phải đối mặt với hậu quả lâu dài của đại dịch COVID-19, Qatar phải lựa chọn có nên đánh cược con bài kinh tế bằng việc đăng cai Giải vô địch bóng đá thế giới (World Cup) vào tháng 11/2022 tới hay không.
Word Cup, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh mà bao người mong đợi, được coi là cơ hội cho quốc gia này tỏa sáng trên cương vị nước vùng Vịnh đầu tiên đăng cai tổ chức một sự kiện lớn tầm cỡ đến như vậy.
Đây cũng là cơ hội cho thế giới thấy khả năng tổ chức cũng như hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại của Qatar, đồng thời chứng kiến sự mở cửa văn hóa của quốc gia Hồi giáo này với thế giới.
Thế nhưng, từ trước khi đại dịch xảy ra, sự kiện thể thao này đã vấp phải nhiều thách thức suốt mấy năm nay.
Cụ thể là Qatar bị cáo buộc tham nhũng trong quá trình đấu thầu, cáo buộc lạm dụng người lao động trong xây dựng các công trình phục vụ World Cup, rồi có thông tin khách du lịch không được uống rượu khi tới xem đá bóng.
Các nước Saudi Arabia, Ai Cập, Bahrain và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cắt đứt nhiều tuyến đường hàng không, đường bộ và đường biển với Doha từ năm 2017-2021.
Nhưng kể cả những vấn đề đó giờ đã là quá khứ, Doha giờ đây lại phải đối mặt với thực tế là đến cuối năm 2022, khả năng thế giới trở lại điều kiện bình thường hoàn toàn sau đại dịch cũng khó có thể xảy ra.
Qatar đã đầu tư đáng kể cho sự kiện World Cup. Dữ liệu của Bloomberg ước tính Qatar chi khoảng 300 tỷ USD cho việc xây dựng các sân vận động, hệ thống tàu điện ngầm và các trung tâm du lịch, khách sạn.
Số tiền này gần gấp đôi GDP của Qatar năm 2019 là 175,8 tỷ USD.
Để khoản đầu tư đó thực sự mang lại hiệu quả, Qatar đã tính sẽ khai thác các công trình hạ tầng xây cho World Cup không chỉ một lần mà biến những công trình đó thành các điểm đến thể thao, du lịch tầm cỡ quốc tế.
Nhưng đăng cai các sự kiện thể thao tầm cỡ toàn cầu cũng là những canh bạc tiềm ẩn rủi ro.
Ví dụ như Nam Phi tổ chức World Cup năm 2010 với những tham vọng kinh tế tương tự và cũng được thế giới ca ngợi đã tổ chức sự kiện một cách tuyệt vời.
Thế nhưng, hết sự kiện thì quốc gia này còn lại toàn các sân vận động bỏ không. World Cup 2010 cũng không giúp Nam Phi vượt qua những khó khăn về kinh tế mà họ đặt nhiều kỳ vọng khi đó.
Dù kinh tế của Qatar hiện nay mạnh hơn Nam Phi hồi năm 2010 khá nhiều, song điều đó cũng khó bảo đảm Doha không lặp lại "vết xe đổ" của Nam Phi.
Qatar rất hy vọng nếu đăng cai World Cup thành công thì sẽ thu hút được không chỉ khách du lịch, các dự án đầu tư khổng lồ mà cả các hợp đồng kinh tế béo bở trong nhiều năm sau khi sự kiện xảy ra.
Nhưng giờ đây, Doha đang đau đầu tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng COVID-19 - vấn đề mà chính Nhật Bản - nước đăng cai Thế vận hội mùa Hè Olympics Tokyo 2021 đang vấp phải.
[Ngành du lịch Qatar cố gắng 'sống sót' đến World Cup 2022]
Đầu tiên, Nhật Bản đã phải hoãn sự kiện, sau đó quyết định vẫn tổ chức vào tháng 7/2021 nhưng với quy mô khiêm tốn hơn nhiều dự định ban đầu.
Tính tới thời điểm này Qatar dự kiến sẽ tổ chức World Cup quy mô lớn theo kế hoạch ban đầu, đồng thời tổ chức xét nghiệm cho tất cả khách du lịch tới xem, kể cả chuẩn bị 1 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các du khách.
Nhưng điều đó cũng không đảm bảo được chắc chắn sẽ không có ai nhiễm COVID-19 tại sự kiện lớn tập trung đông người như vậy.
Tuy nhiên, "người hàng xóm" của Doha, thành phố Dubai hiện đang xúc tiến tổ chức sự kiện triển lãm lớn thường niên Expo 2020 vào tháng 10/2021 (năm ngoái phải hoãn vì dịch) và họ cũng không áp dụng nhiều biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19.
Chỉ có điều, ngay từ khi mới trúng thầu đăng cai tổ chức World Cup, Qatar đã vấp phải điều tiếng rằng quốc gia này không thực sự thích hợp để làm chủ nhà cho một sự kiện tầm cỡ lớn như World Cup.
Giờ đây, nước này lại đối mặt với khó khăn liên quan đến tác động của đại dịch, khi nhiều nước như Mỹ, Anh hay Israel đều cảnh báo công dân của mình nên tránh tới UAE mà UAE giờ đã mở lại các tuyến giao thông với Doha.
Thêm vào đó, khách du lịch khắp nơi cũng chưa dám đi lại nhiều kể từ khi đại dịch xảy ra.
Thế nhưng, nếu Qatar vẫn tổ chức World Cup, đồng thời thắt chặt các biện pháp kiểm soát COVID-19 và hạn chế số người tới xem trực tiếp tại sân vận động, hình ảnh quốc gia này chiếu trên truyền hình sẽ không khác gì một hoang mạc chứ không phải một trung tâm kinh tế, thể thao sầm uất như giới chức nước này đang mường tượng và hướng tới.
Dù Qatar có làm gì đi nữa để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 trong lúc diễn ra World Cup, quốc gia Hồi giáo sẽ vẫn phải đối mặt với những ảnh hưởng dai dẳng của đại dịch bởi không ai đảm bảo được rằng có thể xóa bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2.
Nhiều khả năng các nước sẽ vẫn phải trải qua nhiều đợt tái áp dụng các biện pháp hạn chế khi có các làn sóng lây nhiễm mới bùng phát.
Điều này ảnh hưởng tiêu cực tới chiến lược ban đầu của Qatar muốn biến chuỗi hạ tầng khổng lồ phục vụ World Cup thành những điểm nhấn giúp Qatar phát triển du lịch và kinh tế.
Hàng loạt khách sạn sang trọng đã xây dựng xong tại đây giờ sẽ phải yên ắng chờ khách khá lâu trong thời gian tới bởi ngành du lịch toàn cầu vẫn đang trì trệ.
Theo ước tính của các cơ quan Liên hợp quốc, du lịch toàn cầu sẽ không thể trở lại mức như trước khi đại dịch xảy ra cho tới năm 2024.
Với Qatar, khi World Cup kết thúc, rất có thể nền kinh tế của quốc gia này vẫn trong tình trạng trì trệ.
Đại dịch COVID-19 giờ đây đang buộc Qatar phải tiếp tục tìm giải pháp khác cho con đường phát triển kinh tế xanh, sạch, không phụ thuộc dầu mỏ của mình./.