Theo đó, giấc ngủ giúp não bộ khỏe hơn thông qua việc đào thải các chất độc hại giúp con người tránh được nhiều bệnh tật.
Theo kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí Khoa học ngày 17/10, các nhà khoa học cho biết trong lúc cơ thể chìm vào giấc ngủ, dịch não tủy tràn qua các mô não trong một hệ thống gọi là glymphatic, đẩy các chất thải độc hại vào các mạch máu não sau đó thông qua các hệ thống tuần hoàn đưa các chất này tới gan để đào thải ra ngoài.
Để chứng minh toàn bộ quá trình "tẩy rửa" này chỉ diễn ra trong trạng thái ngủ của cơ thể, các nhà khoa học Mỹ đã tiến hành hai thí nghiệm trên chuột, bơm chất màu vào dịch não tủy vào hai thời điểm các cá thể này ngủ và thức. Sự di chuyển của các chất màu cho thấy dịch não tủy chỉ tràn qua não khi chuột ngủ.
Thí nghiệm cũng cho thấy hệ thống glymphatic có tốc độ hoạt động mạnh gấp 10 lần trong lúc ngủ so với lúc thức.
Ngoài ra, theo trưởng nhóm nghiên cứu, nhà khoa học Maiken Nedergaard đến từ Trung tâm Y học thuộc trường Đại học Rochester (Mỹ), trong khi ngủ, các tế bào não "co lại" khoảng 60% tạo ra nhiều không gian giữa các tế bào, cho phép chất dịch trên di chuyển nhanh và tự do hơn.
Các nhà khoa học cho biết trong số các chất thải bị đào thải trong giấc ngủ có chất amyloid beta, một loại protein tạo ra các mảng bám, là dấu hiệu ban đầu của bệnh mất trí nhớ Alzheimer.
Các nhà khoa học hy vọng đây có thể là hướng mới cho việc tìm ra nguyên nhân và cách điều trị cho các căn bệnh liên quan đến não bộ nan y như Alzheimer./.