Giai đoạn chuyển tiếp phức tạp giữa các siêu cường sau khủng hoảng

Nếu phản ứng của EU đối với cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới không đủ mạnh và khả năng tự diễn biến thành sự thực, châu Âu có thể trở thành một chiến trường giữa các siêu cường Mỹ, Nga và Trung Quốc.
Giai đoạn chuyển tiếp phức tạp giữa các siêu cường sau khủng hoảng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Mỹ đã mất uy tín trong cuộc khủng hoảng y tế. Trung Quốc cũng không thể đạt được kết quả như họ hy vọng. Một thời kỳ bất ổn toàn cầu đang mở ra, trong đó châu Âu, nếu bị chia rẽ, sẽ đối mặt với rủi ro phải trả giá.

Sau đây là bài phân tích trên tờ Le Vif với ý kiến của các chuyên gia chính trị thuộc các trường đại học Bỉ.

Nếu chúng ta thấy rằng Mỹ đang tỏ ra yếu ớt khi cố gắng đưa đất nước thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 và vị thế của Trung Quốc đang được củng cố, sự cân bằng quốc tế tiếp theo sẽ bị thay đổi. Câu hỏi được đặt ra là ngay cả khi dịch bệnh trên thực tế chỉ là một yếu tố thúc đẩy các xu hướng đã được quan sát thấy trong những năm gần đây, đó là một nước Mỹ hướng nội từ bỏ tham vọng bá quyền và một Trung Quốc bành trướng mong muốn chiếm lấy “ngọn đuốc,” chúng ta có chắc chắn rằng cuộc khủng hoảng y tế đã chỉ định một kẻ thua cuộc phương Tây và một người chiến thắng phương Đông hay không?

Sự suy tàn của nước Mỹ sẽ càng được đẩy nhanh?

Giáo sư quan hệ quốc tế tại đại học UCLouvain, Tanguy Struye de Swielande phân tích rằng hành động của Tổng thống Mỹ Donald Trump xuất phát từ nguyên tắc Mỹ vẫn là số một trong bảng xếp hạng, có nghĩa là họ sẽ giữ vai trò lãnh đạo thế giới về khả năng kinh tế và quân sự. Tuy nhiên, tầm nhìn về vị trí siêu cường này đã hoàn toàn lỗi thời.

Ngày nay, sức mạnh của một quốc gia được xác định trong mối quan hệ tương hỗ với nhiều quốc gia khác. Dù vậy, trong ba năm qua, Tổng thống Mỹ đã hoàn toàn bỏ qua khía cạnh quan hệ ngoại giao.

Ông không quan tâm Mỹ có đồng minh hay không mà chỉ cần các yếu tố quyết định quyền lực đưa Mỹ vào vị trí dẫn đầu. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã cho thấy điều đó một lần nữa, Tổng thống Donald Trump vẫn giữ nguyên logic giao dịch của mình, được thực hiện bằng sự ép buộc và trừng phạt. Theo cách hành xử này, sự suy tàn của nước Mỹ sẽ càng được đẩy nhanh.

[Toan tính của Nga trong thế đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc]

Theo nhận định của Giảng viên khoa học chính trị tại ULB Thierry Kellner, không thể nói rằng việc xử lý khủng hoảng y tế của Mỹ là tối ưu. Tổng thống Donald Trump đã khiến đất nước của mình gặp rắc rối lớn.

Phản ứng của ông cho thấy khuynh hướng cô lập trong chính sách đối ngoại thường thấy. Tuy nhiên, ông Kellner không tin rằng toàn bộ chính quyền Mỹ có cùng quan điểm này. Trong bối cảnh đó, ông Trump buộc phải xem xét lại các lựa chọn mà mình đã từ bỏ.

Cuộc khủng hoảng buộc Mỹ phải hồi hương các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc và tăng cường quan hệ với các đối tác đáng tin cậy về kinh tế. Điều này rất giống với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đối tác quan hệ này được xây dựng trên sự tự do thương mại giữa các quốc gia thuộc lục địa Mỹ, châu Á (Nhật Bản, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei) và châu Đại Dương đã được ký kết vào tháng 2/2016 dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, song đã bị “bỏ rơi” chỉ 3 ngày sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2017.

Chuyên gia Thierry Kellner đánh giá việc tái khởi động mối quan hệ giữa Mỹ với các đối tác ở Đông Nam Á có thể là dấu hiệu của một sự thay đổi chiến lược trong Nhà Trắng. Có lẽ Washington đã nhận ra rằng xu hướng bảo hộ của ông Donald Trump chỉ mang lại lợi ích cho các đối thủ cạnh tranh, như việc Nga cài đặt quyền lực ở Trung Đông còn Trung Quốc thâm nhập khắp nơi trên thế giới.

Châu Âu: Chiến trường giữa các siêu cường?

Một nước Mỹ lo lắng trên hết là phải đáp ứng nguyện vọng nội bộ và một Tổng thống bị ám ảnh bởi sự hài lòng của người cầm lá phiếu bầu cử, điều này sẽ mang lại lợi ích cho một Trung Quốc đang trong thế rình rập.

Theo ông Tanguy Struye, ngay khi khống chế được dịch bệnh vào tháng Ba, Trung Quốc đã ngay lập tức cố gắng khôi phục hình ảnh của mình bằng cách tung ra chính sách "ngoại giao khẩu trang." Nhưng đây không phải là quà từ thiện và những chiếc khẩu trang của họ đôi khi có chất lượng không đảm bảo.

Cùng với đó, Chính quyền Trung Quốc đã tuyên truyền rầm rộ, đặc biệt dựa trên các lý thuyết âm mưu. Giáo sư Thierry Kellner phân tích chính sách Trung Quốc đã đạt được mục tiêu chính, như việc truyền thông rằng các giải pháp kiểu Trung Quốc hiệu quả hơn mô hình phương Tây và tăng cường vị thế đối với các đối tác, đặc biệt là bằng “con đường tơ lụa y tế” (liên quan đến dự án cơ sở hạ tầng rộng lớn được phát triển từ Trung Quốc đến châu Âu), song kết quả thu được là không đáng kể đối với Bắc Kinh.

Trong khi đó, bị coi là kẻ thua cuộc trong khủng hoảng, Mỹ có thể đoạt tuyệt với chủ nghĩa bảo hộ đã làm tổn hại đến uy tín của họ, để tiếp nhận một Tổng thống của đảng Dân chủ vào Nhà Trắng. Và Trung Quốc, được coi là chiến thắng, có thể rơi vào thất vọng sau đó nếu bảng tổng kết khủng hoảng không thuận lợi như các nhà lãnh đạo của họ hy vọng.

Trong bối cảnh đó, lời hứa của người phương Tây về việc di dời một số ngành công nghiệp và tình trạng suy thoái kinh tế sắp tới có thể góp phần vào việc này.

Vì vậy, Giáo sư Tanguy Struye dự đoán một giai đoạn chuyển tiếp cực kỳ bất ổn giữa các siêu cường sắp diễn ra. Điều đáng chú ý là ngay cả trong vấn đề y tế, họ vẫn chưa thể hợp tác. Điều này là rất đáng lo ngại khi bàn đến các vấn đề an ninh, như các khu vực ảnh hưởng hay chạy đua vũ trang.

Tất cả các siêu cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nga... đang trong thế thăm dò nhau và lịch sử đã cho thấy rằng đây không phải là tín hiệu tốt. Thế giới có thể sẽ chứng kiến rất nhiều điều không chắc chắn và căng thẳng, thậm chí dẫn đến các cuộc chiến tranh lạnh mới.

Bởi trong khi nước Mỹ của ông Trump đang quay lưng lại với các tổ chức quốc tế - những người thua cuộc lớn trong khủng hoảng COVID-19 thì Trung Quốc lại đang đầu tư vào các tổ chức này để tăng cường ảnh hưởng. Trung Quốc là siêu cường đóng góp nhiều nhất cho ngân sách của các hoạt động gìn giữ hòa bình, nắm quyền lãnh đạo của 4 trong số 15 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc và không ngần ngại phát huy ảnh hưởng của mình tại Tổ chức Y tế thế giới.

Với sức nặng cả về kinh tế và ngoại giao, Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về một sự bá chủ sẽ khiến nền dân chủ và nhân quyền suy yếu. Giáo sư Tanguy Struye de Swielande dẫn việc Liên minh châu Âu (EU) khi thông qua đại diện của Cơ quan hành động đối ngoại châu Âu tại Bắc Kinh đã đồng ý để Bắc Kinh kiểm duyệt một lá thư của 27 Đại sứ được công bố vào ngày 8/5 trên phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Việc đề cập đến nguồn gốc của virus đã được gỡ bỏ trong bức thư. Điều này gợi lại sự yếu ớt của EU trong việc khẳng định các giá trị của mình trên trường quốc tế.

Trong thời điểm bất ổn hiện nay, giáo sư Thierry Kellner coi đó là một nguồn nguy hiểm hiện hữu. Nếu phản ứng của EU đối với cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới không đủ mạnh và khả năng tự diễn biến thành sự thực, châu Âu có thể trở thành một chiến trường giữa các siêu cường Mỹ, Nga và Trung Quốc.

Trong một thế giới đa cực gợi nhớ lại bối cảnh thế kỷ XIX, việc phát triển các thuộc tính bổ sung của siêu cường là một điều cần thiết cho Liên minh. Vấn đề đặt ra là cần phải tái khởi xướng các ý tưởng về Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó là câu hỏi tại sao không đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực xã hội, môi trường và công nghệ mới?

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục