Nguyên nhân khiến nhiều chị em thường cảm thấy lo lắng, chán nản và bực bội trong tuần cuối trước kỳ kinh nguyệt có liên quan tới thay đổi hoạt động của não bộ.
Đây là kết luận của các nhà khoa học Israel đưa ra trong nghiên cứu công bố ngày 26/5.
Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Do Thái Jerusalem (HUJI) và Trung tâm Y khoa Hadassah ở Jerusalem đã tiến hành phân tích hoạt động não bộ của 20 người độ tuổi từ 20-30 thuộc cả hai giới nam và nữ tình nguyện tham gia nghiên cứu. Những người này đều khỏe mạnh và không dùng bất kỳ loại thuốc nào có thể ảnh hưởng đến tâm trạng cũng như chức năng của não bộ.
[Nguy cơ trầm cảm ở các bà mẹ làm nhiều công việc cùng lúc]
Trong vòng 7 ngày trước kỳ kinh nguyệt ở những phụ nữ tham gia nghiên cứu này, những người tình nguyện được cho xem những phân đoạn cả vui và buồn trong những bộ phim như "The Lion King" (Vua Sư tử).
Kết quả các khán giả nam rất thích thú với những đoạn phim vui nhộn, trong khi các đoạn phim này không gây được hiệu ứng thích thú ở khán giả nữ. Các nhà nghiên cứu giải thích rằng, trong tuần trước kỳ "đèn đỏ," quá trình nhận biết và cảm thụ vui buồn tại vùng não liên quan lĩnh vực này ở phụ nữ khác với những ngày còn lại của chu kỳ. Theo đó, họ ít hứng thú hơn với những thứ vốn ngày thường khiến họ vui vẻ.
Các nhà nghiên cứu kết luận nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng đối với bất kỳ lĩnh vực nghiên cứu nào liên quan đến sự khác biệt về giới tính. Kết quả này cũng chỉ ra sự cần thiết phải xem xét vấn đề nội tiết tố nữ trong các nghiên cứu về sự khác biệt giữa nam giới và nữ giới.
Tâm trạng thất thường là một trong những triệu chứng của Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS), một hiện tượng phổ biến ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Chưa có nghiên cứu cụ thể nào xác định nguyên nhân gây ra hội chứng này, nhưng các nhà khoa học cho rằng hội chứng xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố và thiếu chất dẫn truyền thần kinh serotonin.
Ngoài gây rối loạn cảm xúc, PMS còn gây ra các triệu chứng về thể chất như đau bụng, đau đầu, mọc mụn trứng cá và tăng cân./.