Giải ngân vốn đầu tư công: Nhận diện khó khăn, giải quyết từng dự án

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, nhận diện rõ từng nhóm vấn đề, đi sâu vào từng dự án cụ thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình và giải ngân vốn đầu tư công.
Giải ngân vốn đầu tư công: Nhận diện khó khăn, giải quyết từng dự án ảnh 1Đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên kênh Nguyễn Tấn Thành ở Tiền Giang. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm 2020, giải ngân vốn đầu tư công của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đạt 33%, vượt 2% so với kế hoạch Bộ này đặt ra.

Để có kết quả này, ngay từ cuối năm 2019, đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rà soát, nhận diện rõ từng nhóm vấn đề và đi sâu vào từng dự án cụ thể để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ công trình và giải ngân vốn.

Tổng kế hoạch vốn năm 2020 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao là 13.978 tỷ đồng; trong đó, vốn trong nước, bao gồm cả vốn trái phiếu Chính phủ là 12.148 tỷ đồng, vốn ODA 1.830 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Hải Thanh - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, một trong những khâu thời gian qua được đẩy nhanh là về xây lắp.

Trung bình các công trình thực hiện 4-5 năm nhưng nay nhờ có công nghệ, chuyên gia... nên các công trình thực hiện 3-3,5 năm. Bên cạnh đó, trong hợp phần xây lắp còn tiết kiệm được trên 300 tỷ đồng để dành bù đắp cho chi phí giải phóng mặt bằng bị đội lên.

Ngay cả thời gian bị dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển luôn cùng địa phương bám sát, tháo gỡ khó khăn, xử lý kịp thời vướng mắc để các chuyên gia, nhà thầu, công nhân bám trụ thi công. Điều này đã được Đoàn kiểm tra của Quốc hội vừa qua đánh giá rất cao vì hiệu quả của các công trình thủy lợi là thực tế và có tầm nhìn và an ninh nguồn nước.

Các công trình đã chuyển lấy nước từ tỉnh có mưa nhiều chuyển sang tỉnh có mưa ít để chống hạn mặn kịp thời. Như công trình Tân Mỹ chuyển nước từ Lâm Đồng về Ninh Thuận. Tuy công trình chưa hoàn thành nhưng đã kịp thời hỗ trợ chống hạn cho tỉnh Ninh Thuận và dự kiến sẽ được tích nước từ tháng 3/2021.

[Cấp thiết giải ngân vốn đầu tư công: Chậm từ năm này sang năm khác]

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, hạn mặn 2019-2020 còn cực đoan hơn năm 2015-2016 nhưng thiệt hại lại thấp hơn rất nhiều. Điều đó là nhờ các công trình thủy lợi đã được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm, góp phần chống hạn cho trên 1.160ha.

Điển hình như Cống âu thuyền Ninh Quới, Cống Vũng Liêm đã được đẩy nhanh thi công cũng như nhận thức chuyển từ ngăn mặn giữ ngọt sang kiểm soát mặn ngọt ở công trình Cái Lớn-Cái Bé và dự kiến sẽ hoàn thành trước kế hoạch 6-8 tháng, cơ bản chống hạn vào 2020-2021… Rất nhiều công trình lớn đều vượt tiến độ từ 6 tháng đến trên 1 năm.

Do vậy, trong 6 tháng đầu năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ đạt kết quả cao với 35%. Dự kiến 7 tháng đạt 41,4%.

Tuy nhiên, trong thực hiện giải ngân nguồn vốn từ trái phiếu Chính phủ, ông Nguyễn Hải Thanh cho biết, nhiều dự án, công trình gặp nhiều khó khăn, chậm tiến độ so với kế hoạch do vướng mắc chính là bồi thường tái định cư.

Nếu làm được công việc này thì sẽ giải ngân được 100% nhưng thực tế và lường trước hợp phần này vẫn gặp 2 vấn đề. Một là những dự án vướng bởi việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Trong 6 tháng đầu năm, những dự án nào có liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đều bị chậm.

Hai là giải phóng mặt bằng ở những dự án lớn hoặc một số dự án không lớn nhưng địa phương chưa làm tốt. Trong dự án lớn có 3 dự án là hồ Cánh Tạng (Hòa Bình); hồ Bản Mồng (Nghệ An); hồ Krông Pách Thượng (Đắk Lắk). Đây là những dự án có số lượng di dân rất lớn.

Mặc dù chính quyền địa phương có sự cố gắng nhưng vẫn không đạt như kỳ vọng. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ và Cục đã liên tục giám sát và kiểm tra thực tế nhằm hỗ trợ địa phương.

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, do địa phương chưa lường hết khó khăn ngay từ đầu nên bộ máy chính quyền chưa vào cuộc quyết liệt. Giai đoạn gần đây mới quyết liệt vào cuộc. Bên cạnh đó, cán bộ giải phóng mặt bằng rất thiếu và năng lực còn hạn chế nên tiến độ của các công trình trên chậm, cụ thể như hồ Cánh Tạng chậm 8 tháng; hồ Krông Pách Thượng chậm 1 năm và hồ Bản Mồng còn vướng trong quản lý chồng chéo ở địa phương.

Bên cạnh đó, từ đầu năm thời tiết ở một số công trình thuận lợi cho thi công nhưng vẫn không thực hiện được, như công trình đập đất hồ chứa nước Mỹ Lâm (Phú Yên).

Đến thời điểm hiện nay, công trình này chưa thực hiện được bởi người dân còn khiếu kiện về chính sách đền bù. Lãnh đạo Bộ đã có các văn bản cũng như trực tiếp vào chỉ đạo nhưng địa phương vẫn chưa giải quyết xong.

Về vốn ODA, đây là nguồn vốn thường có tỷ lệ giải ngân thấp hơn các loại nguồn vốn khác. Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao 3.638 tỷ đồng; trong đó, 1.808 tỷ đồng là nguồn vốn từ năm 2019 chuyển sang nhưng Bộ không có nhu cầu.

Ngay từ cuối năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có 3 văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ điều chuyển số tiền này cho các đơn vị khác.

Theo ông Nguyễn Hải Thanh, đây là số tiền dư của các dự án tồn đọng từ trước đến nay mà dự án đã kết thúc và không còn nhu cầu nữa. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ có khả năng giải ngân được với số còn lại là 1.830 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc trả lại 1.808 tỷ đồng vốn nước ngoài thuộc kế hoạch năm 2020 của Bộ không ảnh hưởng đến kế hoạch các năm sau đối với các dự án ODA vì các dự án kết thúc năm 2020 đã được bố trí đủ vốn để kết thúc trong năm, các dự án còn lại đều là các dự án chuyển tiếp sang giai đoạn 2021-2025 và vẫn còn đủ thời gian thực hiện, giải ngân theo hiệp định đã ký.

Với nhìn nhận như vậy, nên trong 6 tháng đầu năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giải ngân đạt 29,1% vốn ODA (không tính 1.808 tỷ đồng xin trả lại). Nếu không tính tiền trả lại thì Bộ phấn đấu sẽ giải ngân được trên 90% nguồn vốn ODA.

Ông Đỗ Quang Tùng - Quyền Trưởng ban Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các dự án thuộc Ban chủ yếu là trồng rừng ngập mặn. Việc giải ngân thường dựa theo tiến độ dự án. Cuối năm là vào vụ trồng rừng nên Ban quản lý sẽ phải đẩy nhanh từ bây giờ.

Giải ngân vốn đầu tư công: Nhận diện khó khăn, giải quyết từng dự án ảnh 2Trạm bơm Bình Phan bơm đưa nước về phục vụ trà lúa Đông Xuân các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang. (Nguồn: TTXVN)

Tuy nhiên, nếu dịch COVID-19 diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các dự án về lâm nghiệp bởi việc trồng rừng liên quan trực tiếp đến những người dân và chuyên gia thẩm định nước ngoài.

Bên cạnh đó, các dự án thường có rất nhiều nhà thầu, nhiều hợp phần thậm chí liên quan đến nhà thầu quốc tế. Ban quản lý cũng đang tìm cách tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Với nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đặt mục tiêu sẽ giải ngân được 88-90%. Mục tiêu này đã được Bộ tính đến những rủi ro trong việc triển khai chậm từ các công trình trên. Nếu những khó khăn trên được tháo gỡ nhanh chóng, việc giải phóng mặt bằng đạt kỳ vọng thì Bộ sẽ giải ngân được 95-97% .

“Bộ luôn luôn sẵn sàng cùng địa phương tháo gỡ những khó khăn, tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng phụ thuộc rất nhiều sự vào cuộc, nỗ lực của địa phương,” ông Thanh đánh giá.

Ông Thanh cho biết, để đạt mục tiêu trên Bộ luôn tìm các giải pháp để thúc đẩy tiến trình giải ngân của các dự án, tháo gỡ sớm những vướng mắc, tìm kiếm các chuyên gia giỏi thực hiện các dự án.

Việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ giúp kích cầu trong giai đoạn trước mắt, nhưng mục đích cuối cùng là hiệu quả đầu tư. Hiệu quả đầu tư sẽ phụ thuộc vào việc giải ngân tốt, gắn với thời gian, công trình đảm bảo về chất lượng, đặc biệt là nhiệm vụ của nó.

Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân, Bộ cũng phải chú trọng đảm bảo chất lượng công trình vì các công trình đang thi công vào thời điểm các mùa mưa lũ, mà năm nay được dự báo thiên tai sẽ có nhiều diễn biến dị thường. Do đó, việc đầu tiên phải đảm bảo an toàn về con người và công trình. Song hành với đó là thúc đẩy tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân.

Mới đây, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 83/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp để tháo gỡ cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Khó khăn này đã được tháo gỡ nên từ nay đến cuối năm, các công trình liên quan sẽ được đẩy nhanh hơn.

Với những dự án giải phóng mặt bằng lớn, ngoài việc tìm giải pháp cùng địa phương, Bộ sẽ mời các đoàn công tác của Chính phủ, Quốc hội và các bộ ngành kiểm tra thực tế, tiếp tục tháo gỡ cho địa phương.

Với những công trình làm tốt sẽ có chính sách tốt để biểu dương, hỗ trợ các nhà thầu bằng việc khen thưởng kịp thời. Động lực này sẽ thúc đẩy nâng cao sản lượng của các công trình, để sớm về đích trước thời gian.

Để kịp thời xử phạt, nhắc nhở cũng như khen thưởng, Bộ sẽ rà soát và chia thành 3 nhóm người đứng đầu: nhóm một là phê bình kiểm điểm, thậm chí kỷ luật; nhóm hai là biểu dương, khen thưởng những công trình chất lượng tốt, giải ngân nhanh; nhóm ba là nhóm làm chưa tốt nhưng chưa đến mức phải bị phê bình, kỷ luật thì chỉ ra để nhắc nhở và đưa lên công luận.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tiếp tục có những hội thảo chuyên đề, có sự cọ sát sâu hơn về giải phóng mặt bằng để các chủ đầu tư học tập kinh nghiệm. Ngoài ra, tập trung các chuyên gia giỏi cùng với quản lý công trình để xử lý kịp thời ngay tại hiện trường những vướng mắc về kỹ thuật.

Ngay từ bây giờ, Cục Quản lý xây dựng công trình đã hướng dẫn các chủ đầu tư trong trường hợp COVID-19 quay trở lại vẫn đẩy nhanh công việc bằng các giải pháp như giám sát trực tuyến. Ngành đã phân và nhận diện từng nhóm vấn đề, từng công trình để xử lý và hỗ trợ chủ đầu tư, ông Nguyễn Hải Thanh cho hay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.