Quân tình nguyện Iraq tham gia khóa huấn luyện quân sự tại thành phố miền nam Basra ngày 26/6. (Nguồn: AFP/TTXVN) Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki ngày 26/6 thừa nhận rằng các giải pháp chính trị là cần thiết bên cạnh hành động quân sự nhằm đẩy lùi làn sóng tấn công nổi dậy của phiến quân Hồi giáo dòng dòng Sunni do nhóm "Nhà nước Hồi giáo Iraq và vùng Levant" (ISIL) dẫn đầu, đang chiếm giữ một khu vực rộng lớn và đe dọa chia cắt đất nước này.
Tại cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Anh William Hague đang ở thăm Iraq, Thủ tướng Maliki đánh giá cần "hai con đường song song."
Bên cạnh các chiến dịch quân sự chống khủng bố, cần tiếp tục "theo đuổi tiến trình chính trị và tiến hành một cuộc họp quốc hội (đúng lúc) để bầu Chủ tịch Quốc hội, Tổng thống và thành lập chính phủ."
Trước đó, Văn phòng Tổng thống đã ra tuyên bố cho biết Quốc hội được triệu tập họp vào ngày 1/7 tới.
Đây là nhận định mới nhất của ông Maliki, được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Hague hối thúc các nhà lãnh đạo chính trị Iraq đoàn kết đối phó với "mối đe dọa nghiêm trọng" từ lực lượng phiến quân Hồi giáo dòng Sunni.
Trước đó, ông Maliki đã bác bỏ khả năng thành lập một chính phủ dân tộc khẩn cấp, cho rằng lời kêu gọi này thực chất là một cuộc đảo chính đi ngược Hiến pháp và tiến trình chính trị.
Trong khi đó, trên thực địa, ngày 26/6, các lực lượng an ninh Iraq đã triển khai một cuộc tấn công bằng trực thăng nhằm vào thành phố Tikrit do phiến quân chiếm giữ và giành lại quyền kiểm soát trường đại học nằm ở vị trí chiến lược tại thành phố này.
Tại Baghdad cùng ngày đã xảy ra một vụ đánh bom liều chết ở một chợ sầm uất thuộc khu vực Kadhimiyah có đông người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống làm 19 người thiệt mạng và 41 người bị thương.
Bạo lực tại Iraq cũng khiến nhiều người dân bỏ đi lánh nạn. Theo Ủy ban Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI), Iraq hiện là một trong những nước có nhiều người phải sơ tán nhất thế giới.
Hơn một triệu người đã phải di chuyển chỗ ở kể từ đầu năm 2014, cộng với một triệu người khác phải sơ tán trong các cuộc xung đột trước.
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra cảnh báo về đợt sơ tán lớn nhất của khoảng 1.500 người, trong đó có nhiều trẻ em và người già, đến tỉnh Erbil ngày 26/6.
Hiện UNICEF và các đối tác đang cung cấp các hỗ trợ cơ bản cho các gia đình phải sơ tán.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 26/6, Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề Arập và châu Phi Hossein Amir-Abdollahian cho biết nước này sẽ đứng bên Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố.
Trả lời kênh Alalam TV, Thứ trưởng Amir-Abdollahian nói: "Nếu Iraq yêu cầu (giúp đỡ), chúng tôi sẽ gửi trang thiết bị quân sự tới Iraq trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và các hợp đồng."
Theo ông, hiện Iran chưa nhận được đề nghị như vậy từ Baghdad./.