Trong 20 năm vừa qua, các khu vực trên cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người, tài sản, cơ sở hạ tầng, tác động xấu đến môi trường sống, sản xuất kinh doanh của người dân.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thiên tai có xu thế ngày càng gia tăng bất thường, số lần xuất hiện ngày càng nhiều, cường độ ngày càng lớn, nghiêm trọng hơn, nhất là bão mạnh, mưa lớn, lũ lụt, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, rét đậm, rét hại, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn...
Tăng cả về cường độ và tần suất
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho biết tính bất thường, trái quy luật và ngày càng nghiêm trọng hơn của thiên tai biểu hiện cả về cường độ và tần suất. Mưa đặc biệt lớn, trong đó có mưa cục bộ ở nhiều khu vực; mưa trái mùa một số khu vực như mưa sớm hơn và mưa muộn cuối vụ (sau khi các hồ chứa đã tích đầy nước).
Năm 2017 là năm có tổng lượng mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi mưa lớn hơn trung bình nhiều năm khoảng 20-40%, trong đó đợt mưa lớn diện rộng cuối mùa vào giữa tháng 10 tại khu vực Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Bình với tổng lượng từ 400 đến trên 600mm, trong khi các hồ đã đầy nước, dẫn đến việc phải xả lũ khẩn cấp (lần đầu tiên hồ Hòa Bình đã phải xả cấp tập tám cửa đáy), xuất hiện đợt lũ vượt mức lịch sử từ 0,5-1,0m tại một số sông trong khu vực làm ngập lụt trên diện rộng và xảy ra 244 sự cố trên 90km của hệ thống đê điều.
[Các tỉnh Bắc Bộ chủ động ứng phó với nguy cơ mưa lớn, dông lốc]
Mưa lũ đặc biệt lớn (xấp xỉ mức lịch sử) sau bão số 12 vào đầu tháng 11/2017 tại các tỉnh miền Trung (với tổng lượng nước trong đợt khoảng 19,0 tỷ m3 nước), đã gây ngập sâu tại nhiều tỉnh và thành phố Huế, thị xã Hội An đúng vào tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC; một số nơi ở Nam Trung Bộ ngập lụt sâu kéo dài trên một tháng.
Bão lớn trên cấp 11-12 thường xuyên xảy ra và trái quy luật kể cả về thời gian hình thành và khu vực đổ bộ; lũ lớn xảy ra thường xuyên, thời gian có thể xảy ra ngay từ đầu năm và kéo dài đến cuối năm ở các vùng miền; hạn hán trên diện rộng, kéo dài tại các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Thiên tai xảy ra nhiều hơn tại các vùng miền trước đây ít khi xảy ra những trận thiên tai lớn như bão ở khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế xã hội với tốc độ nhanh, quy mô ngày càng lớn trên tất cả các vùng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiếu bền vững làm gia tăng rủi ro thiên tai. Với tình hình thực tiễn nêu trên, nguy cơ rủi ro thiên tai và thiệt hại ngày càng gia tăng đã và sẽ gây thiệt hại ngày càng lớn về người và tài sản.
Phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế
Theo ông Trần Quang Hoài, Ủy viên thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, công tác phòng chống thiên tai còn nhiều hạn chế.
Biểu hiện cụ thể là khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng, năng lực ứng phó của lực lượng phòng chống thiên tai với một số tình huống thiên tai lớn còn bất cập, lúng túng; huy động lực lượng đông đảo nhưng hiệu quả thấp, một số trường hợp còn dẫn đến sự lãng phí; nhận thức và kỹ năng tự ứng phó với thiên tai của nhiều cấp chính quyền và người dân chưa đáp ứng yêu cầu.
Cùng với đó, nguồn lực cho phòng chống thiên tai còn hạn chế và phân tán, chưa có đầu mối để theo dõi, điều phối tổng thể; chưa có chính sách tài chính bền vững trước thiên tai, chưa huy động được nhiều doanh nghiệp, cộng đồng xã hội tham gia đầu tư hoặc cung cấp dịch vụ phòng chống thiên tai. Trình tự thủ tục trong một số hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả, tiếp nhận viện trợ còn theo các thủ tục thông thường nên không đáp ứng được yêu cầu, kéo dài thời gian phục hồi, tái thiết hoặc gây gia tăng thiệt hại, giảm hiệu quả đầu tư, không phù hợp với thực tiễn.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế trong dự báo, theo dõi, giám sát, phân tích tính toán, cảnh báo, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành với những tình huống thiên tai lớn, phạm vi rộng hoặc cục bộ như đối phó với bão mạnh, siêu bão, lũ lớn tại các lưu vực sông liên tỉnh, lũ quét sạt lở đất.
Bên cạnh đó, sự tham gia phối hợp của một số cơ quan liên ngành, địa phương, thành viên Ban Chỉ đạo; việc thực thi, giám sát thi hành Luật Phòng chống thiên tai còn kém hiệu quả; nhiều công trình, dự án làm gia tăng rủi ro thiên tai do không lồng ghép hoặc chưa quan tâm đến nội dung phòng, chống thiên tai.
Đặc biệt, công tác quản lý tàu thuyền còn nhiều khó khăn, bất cập nhất là chất lượng tàu thuyền, thiết bị đảm bảo thông tin liên lạc, đăng ký ngư trường, khu neo đậu. Sơ tán dân, di chuyển lồng bè, chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, an toàn hệ thống lưới điện, hệ thống thông tin liên lạc và khả năng chống bão của khu vực ven biển Nam Trung Bộ (Khánh Hòa) và đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hạn chế, một số nơi vẫn còn tư tưởng chủ quan và tổ chức thực hiện chưa quyết liệt.
Dự báo lượng mưa còn hạn chế nên việc chỉ đạo điều hành phòng chống lũ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản, công trình hồ chứa, đê điều đang gặp nhiều khó khăn; ứng phó với lũ ngập sâu và kéo dài nhiều ngày ở khu vực miền Trung hiện chưa có giải pháp toàn diện, hiệu quả thấp; nhiều hệ thống đê điều, hồ chứa bị sự cố, xuống cấp không đảm bảo an toàn.
Lũ quét, sạt lở đất đã và đang diễn ra ngày càng gia tăng đối với khu vực dân cư miền núi, khu vực khai thác khoáng sản, các tuyến đường giao thông, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Hạn hán, xâm nhập mặn có nguy cơ gia tăng do hạ thấp lòng dẫn nhiều tuyến sông chính nhất là trên hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long.
Các khu vực Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao khi xuất hiện đợt hạn hán như đã xảy ra vào năm 2015 kéo dài đến giữa năm 2016. Sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản; diện tích đất bị mất ngày càng tăng.
Cần những giải pháp thiết thực
Đề xuất những giải pháp đối với công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, mục tiêu trước mắt là hoàn thiện thể chế chính sách, tổ chức bộ máy, cơ chế phối hợp trong hoạt động phòng chống thiên tai giữa các bộ, ngành và địa phương. Huy động tối đa sự tham gia của các tổ chức chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng để chủ động phòng ngừa, giảm nhẹ thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ phục hồi, tái thiết sau thiên tai nhằm sớm ổn định đời sống, sức khỏe, môi trường, sản xuất của nhân dân đối với từng loại hình thiên tai chính của các vùng miền, khu vực trong cả nước.
Chú trọng việc kiện toàn bộ máy, cơ chế chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn các công trình an toàn trước thiên tai, nguồn nhân lực và đầu tư cho công tác phòng chống thiên tai, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, thông tin, truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng. Về các giải pháp lâu dài cần chú trọng việc nâng cao nhận thức của chính quyền và người dân trong việc chủ động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai.
Giảm nhẹ thiệt hại về người, cơ sở hạ tầng khu vực miền núi do lũ, lũ quét, sạt lở đất, nâng cao năng lực ứng phó với lũ lớn, đảm bảo an toàn vùng hạ du ở các lưu vực sông nhất là khu vực đồng bằng sông Hồng và ven biển miền Trung. Tăng cường năng lực ứng phó với bão, áp thấp nhiệt đới, đảm bảo an toàn cho người, phương tiện trên biển, ven biển và trên đất liền.
Hạn chế sạt lở bờ sông, bờ biển, trọng tâm là ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long; giảm nhẹ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao mức bảo đảm, khả năng chống chịu của hệ thống công trình phòng chống thiên tai (đê điều, hồ đập, khu tránh trú bão,..) tại các các vùng miền, khu vực.
Để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đề xuất và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Chỉ thị về công tác phòng chống thiên tai, tăng cường nguồn vốn triển khai thực hiện các chương trình, đề án, dự án nâng cao năng lực về phòng, chống thiên tai. Bố trí kinh phí triển khai xử lý cấp bách sự cố công trình đê điều, hồ chứa, sạt lở, thí điểm cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, trung tâm điều hành phòng, chống thiên tai quốc gia, thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP, di dân vùng thiên tai, nâng cao năng lực khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão,...
Giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Giao Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai hướng dẫn hoàn thiện, nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy của các cấp, các ngành theo hướng chuyên nghiệp; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ và kế hoạch đã đề ra; chủ động xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải pháp nhằm xử lý kịp thời đối với những vấn đề phát sinh./.