Giám đốc FBI bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước các công ty như ZTE

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Christopher Wray, ngày 16/5 cho biết cơ quan này "quan ngại sâu sắc" về các công ty như ZTE.
Giám đốc FBI bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước các công ty như ZTE ảnh 1Giám đốc FBI Christopher Wray trong một phiên điều trần trước Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ ở Washington, DC. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Christopher Wray, ngày 16/5 cho biết cơ quan này "quan ngại sâu sắc" về các công ty như ZTE.

Phát biểu của ông Wray đưa ra sau khi Tổng thổng Mỹ Trump bày tỏ mong muốn dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc.

Trước đó, hôm 13/5, Tổng thống Donald Trump nói ông muốn giúp ZTE "trở lại kinh doanh, nhanh chóng" sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh các công ty Mỹ bán các sản phẩm công nghệ và dịch vụ cho hãng điện tử viễn thông Trung Quốc này.

[ZTE sụp đổ sẽ đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lên nấc thang mới? ]

Trong một buổi điều trần tại Thượng viện hôm thứ Tư 16/5, thượng nghị sỹ Patrick Leahy đã chất vấn ông Wray về những rủi ro của việc đưa ZTE tiếp cận nhiều hơn với thị trường Mỹ.

Giám đốc FBI nói cơ quan này vẫn lo ngại những công ty có liên hệ với các chính phủ nước ngoài không cùng chia sẻ giá trị với nước Mỹ nhưng lại muốn kiểm soát bên trong mạng viễn thông của Mỹ.

Theo ông Wray, điều này tạo điều kiện cho các chính phủ nước ngoài tiến hành các hoạt động gián điệp mà không bị phát hiện, đồng thời mang lại cho những nước này khả năng gây áp lực hoặc kiểm soát đối với kinh tế Mỹ.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 14/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã bảo vệ quyết định của Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt ZTE vì "những việc làm không thích hợp" của hãng. Tuy nhiên, ông cho biết Bộ Thương mại Mỹ sẽ nhanh chóng tìm ra giải pháp thay thế cho các biện pháp trừng phạt hiện hành.

Với 70.000 nhân viên trên toàn cầu, ZTE là một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ZTE đã buộc phải đình chỉ các hoạt động kinh doanh chính trên toàn thế giới sau khi Bộ Thương mại Mỹ hồi giữa tháng 4 vừa qua cấm các công ty Mỹ bán phần mềm và linh kiện cho hãng viễn thông Trung Quốc này trong vòng 7 năm do vi phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Triều Tiên và Iran.

Trước đó, hồi tháng 3/2017, ZTE đã bị phạt 1,2 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục