Bắt đầu từ hôm nay (10/7), quyết định giảm 0,25% các lãi suất điều hành và 0,5% lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực.
Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên kể từ tháng 3/2014, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành.
Như vậy, lãi suất tái cấp vốn sẽ giảm từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của Ngân hàng Nhà nước đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống còn 7,25%/năm.
Tín hiệu tốt đối với doanh nghiệp
Quyết định hạ lãi suất được Ngân hàng Nhà nước ban hành trong lúc hệ thống ngân hàng đang phải chịu khá nhiều sức ép cả bên trong lẫn bên ngoài có thể tác động tới lạm phát, tỷ giá, lãi suất… trong khi nợ xấu còn cao và lợi nhuận bình quân của các ngân hàng cũng ở mức tương đối thấp so với thế giới và khu vực.
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra của Việt Nam hiện nay là khoảng 2% trong khi Thái Lan khoảng 5%, Trung Quốc 3% và Indonesia, Philippines khoảng 4%.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước cắt giảm lãi suất điều hành thời điểm này cho thấy chính sách đã đi là đúng. Tín hiệu giảm lãi suất lần này cũng chỉ ra thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện và ổn định sau những sóng gió về nợ xấu, hậu sáp nhập, tái cơ cấu ngân hàng… Điều này sẽ mang lại niềm tin cho thị trường, thay vì chỉ kêu gọi các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất như cách làm lâu nay.
[Ngân hàng Nhà nước bất ngờ giảm 0,25% các mức lãi suất điều hành]
Đồng tình với nhận định trên, tiến sỹ Cấn Văn Lực cho rằng, động thái này của Ngân hàng Nhà nước không ngoài mục tiêu giảm chi phí cho các tổ chức tín dụng, qua đó góp phần giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi các tổ chức tín dụng sẽ tiếp cận được vốn rẻ hơn từ nguồn cho vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, có điều kiện để giảm lãi suất cho vay, đặc biệt là với một số lĩnh vực ưu tiên.
Ông Lực phân tích, nếu lãi suất cho vay thông thường giảm, Ngân hàng Nhà nước sẽ phải thực hiện một số giải pháp khác như phải kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức phù hợp, không quá nóng, tránh tăng cung tiền, gây áp lực lên lạm phát và tạo áp lực lên tỷ giá. Hay cần xem xét nâng trần lãi suất huy động đối với USD lên 0,25%/năm thay vì 0%/năm như hiện nay để giúp các tổ chức tín dụng huy động thêm nguồn ngoại tệ trong dân.
Tuy nhiên ông Lực cũng chỉ ra, việc điều chỉnh này trước mắt chỉ tác động đến lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên, còn với các lĩnh vực cho vay thông thường phải có độ trễ nhất định.
Tiến sỹ Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng, quyết định giảm đồng loạt lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước là động thái chính sách tích cực, phù hợp với diễn biến thị trường đang có điều kiện để giảm lãi suất.
Ông Lịch dẫn chứng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang ở mức thấp. Nếu tính so với tháng 12/2016, CPI tháng Sáu chỉ tăng 0,2%. Nguy cơ lạm phát thấp tạo dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất bằng các công cụ chính sách.
Cũng theo ông Lịch, việc giảm lãi suất điều hành nói chung của ngân hàng trung ương chắc chắn làm tăng cầu tín dụng. Để lãi suất có thể giảm được như mong muốn, Ngân hàng Trung ương với tư cách là người cho vay cuối cùng nên mạnh dạn không chỉ giảm lãi suất điều hành, có thể là tăng quy mô tái cấp vốn rộng hơn chút để tăng cung tín dụng. Như vậy, từ nay đến cuối năm 2017, lãi suất có thể giảm được 0,25%- 0,5%/năm, đó là tín hiệu tốt cho nền kinh tế.
Các ngân hàng có bị ảnh hưởng?
Ngay trong ngày 10/7, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần đã quyết định giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp. Điển hình là VPBank đã quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ 0,5% đến 1%, tùy lĩnh vực ngành nghề của doanh nghiệp.
Trước đó, kể từ ngày 8/7, LienVietPostBank cũng đã giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước chỉ còn tối đa là 6%/năm tức là thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa Ngân hàng Nhà nước mới quy định.
Đối với với khối ngân hàng thương mại nhà nước, BIDV cũng công bố tiếp tục giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND. Theo đó, áp dụng mức trần lãi suất 6,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND các đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Áp dụng mức lãi suất tối đa 6,0%/năm (thấp hơn so với quy định 0,5%/năm) đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung.
Còn Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm. Agribank cũng là ngân hàng đầu tiên quyết định giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn trong đợt này.
Một số ngân hàng khác cho hay sẽ giảm lãi suất cho vay trong những ngày tới nhằm chia sẻ khó khăn đối với khách hàng. Tuy nhiên, giảm cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc vào việc cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản.
Trước câu hỏi, việc hạ lãi suất sẽ ảnh hưởng thế nào đến hoạt động ngân hàng? Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị LienVietPostBank thừa nhận chắc chắn lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ngân hàng này sẽ thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về việc chủ động cân đối giữa nguồn vốn và sử dụng vốn để đảm bảo thanh khoản. Thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có cơ sở giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Một chuyên gia ngân hàng cũng cho rằng, quyết định giảm lãi suất này sẽ tác động tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng, sẽ khiến cho biên độ lợi nhuận co lại, lợi nhuận của các tổ chức tín dụng sẽ giảm đi. Thực tế, quyết định giảm lãi suất là có ý hỗ trợ cho tăng trưởng. Nhưng Ngân hàng Nhà nước vừa muốn giảm lãi suất, vừa muốn ổn định vĩ mô nên ngành ngân hàng sẽ phải gánh nặng cả hai vai.
Còn về việc tại sao Ngân hàng Nhà nước chỉ hạ lãi suất cho vay mà không hạ trần lãi suất huy động?, ông Hưởng chia sẻ: “Chúng ta không thể hạ lãi suất huy động được nữa, bởi hạ lãi suất huy động có thể khiến người gửi tiền rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng và đầu tư vào các kênh khác có nhiều rủi ro hơn như bất động sản, chứng khoán… Điều đó cũng có thể khiến cả hệ thống ngân hàng thương mại sập bẫy thanh khoản. Khi đó có thể xuất hiện tình trạng chạy đua lãi suất huy động khiến lãi suất huy động tăng và sẽ làm tăng lãi suất cho vay trong tương lai.”/.