Chiều 21/8 tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chủ trì phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.
Cơ bản hoàn thành việc chi trả bồi thường thiệt hại
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tổng sổ kinh phí dự kiến bồi thường thiệt hại của 4 tỉnh đề xuất bổ sung phạm vi, đối tượng theo Công văn số 3311/BNN-TCTS là 563,172 tỷ đồng (Hà Tĩnh: 271,587 tỷ đồng; Quảng Bình: 258,581 tỷ đồng; Quảng Trị: 26,653 tỷ đồng; Thừa Thiên-Huế: 6,351 tỷ đồng).
Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ tạm cấp kinh phí bồi thường thiệt hại cho các địa phương với tổng số tiền là 6.580 tỷ đồng; trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hỗ trợ kinh phí phục vụ công tác thống kê, thẩm định, chi trả bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển miền Trung cho 4 tỉnh với số tiền 118,084 tỷ đồng (Hà Tĩnh 39,355 tỷ đồng, Quảng Bình 46,670 tỷ đồng, Quảng Trị: 9,22 tỷ đồng, Thừa Thiên-Huế: 22,839 tỷ đồng).
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, tính đến ngày 18/8, các tỉnh đã cơ bản hoàn thành chi trả bồi thường thiệt hại cho người dân là 5.946,1 tỷ đồng đạt 94,3% số tiền thiệt hại và bằng 90,37% so với số tiền tạm cấp.
Hiện nay, các tỉnh đều chưa chi trả hết tiền bồi thường (còn lại khoảng 5% của tổng giá trị thiệt hại 6.305,45 tỷ đồng) cho người dân là do đối tượng được bồi thường hỗ trợ không có mặt tại địa phương, đi lao động ở nước ngoài, đi làm việc trên các tàu khai thác xa bờ ở địa phương khác và do một số đối tượng còn khiếu nại chờ giải quyết. Do đó, các địa phương đang tiếp tục rà soát đối tượng, hồ sơ và giải quyết các vướng mắc để chi trả bồi thường thiệt hại.
Rà soát lượng hải sản tồn kho
Tính đến nay, theo báo cáo của các tỉnh, tổng số hải sản lưu kho là 11.751,83 tấn, tăng tới 6.382,83 tấn (gấp 2,2 lần) so với số báo cáo của Bộ Y tế ngày 08/11/2016 (5.369 tấn), trong đó, Hà Tĩnh: 2.919,63 tấn; Quảng Bình: 926,4 tấn; Quảng Trị: 2.392,46 tấn; Thừa Thiên-Huế: 145,3 tấn. Các địa phương đã hoàn thành thủ tục phê duyệt bồi thường hỗ trợ cho 6.226,6 tấn hải sản lưu kho.
[Bộ Tài nguyên lên tiếng về việc quản lý chất thải rắn của Formosa]
Băn khoăn về số hải sản tồn kho này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương đặt vấn đề: vì sao càng về sau, số hải sản tồn kho càng tăng lên, trong khi đã có rất nhiều đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra. Đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần rà soát kỹ lượng hải sản tồn kho, tránh những tranh chấp nảy sinh.
Trước thực trạng này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo giao Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức đoàn công tác liên bộ, kiểm tra để kiểm chứng hàng hải sản tồn kho phát sinh của 4 tỉnh so với số báo cáo ban đầu của Bộ Y tế, tránh việc lợi dụng.
Bày tỏ quan điểm, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng nguyên tắc đền bù với hải sản phải tồn kho là phải chứng minh được tính xác thực. Sau khi Bộ Công Thương kiểm tra sẽ giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Không hỗ trợ lãi suất đóng mới 400 tàu cá
Đối với dự án hỗ trợ lãi suất đóng mới 400 tàu cá cho ngư dân 4 tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất không thực hiện dự án, dành kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá cho cộng đồng ngư dân ven biển được hưởng lợi chung. Điều này nhận được sự đồng tình của các bộ, ngành và 4 địa phương.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng và Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Phương cho rằng với hàng ngàn người dân bị ảnh hưởng, nếu chọn ra một số hộ dân được xét duyệt đóng tàu với số tiền hưởng lợi khoảng 2 tỷ đồng/tàu trong khi người dân khác cũng bị thiệt hại nhưng lại không được hỗ trợ, sẽ không công bằng, gây thắc mắc trong cộng đồng và khiếu kiện với các cấp chính quyền khi xét duyệt người tham gia, không đảm bảo công bằng về lâu dài. Chuyển số tiền này sang xây dựng hạ tầng là chia sẻ lợi ích được nhiều nhất, khả thi và hợp lý nhất.
Quan điểm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy đến nay, số tàu khai thác xa bờ cả nước đã đạt được theo quy hoạch, vì vậy, để đảm bảo khai thác bền vững, không tăng thêm số lượng tàu khai thác xa bờ. Người dân 4 tỉnh có nguyện vọng muốn đóng tàu khai thác xa bờ, vẫn có thể tiếp tục thực hiện theo chính sách hỗ trợ đóng tàu khai thác xa bờ theo Nghị định 67, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ ưu tiên điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu trong số tàu đóng theo Nghị định 67 cho 4 tỉnh.
Thượng tướng Bùi Văn Nam, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết sau hơn 1 năm, sự cố môi trường ở 4 tỉnh miền Trung đã cơ bản được khắc phục, tình hình an ninh chính trị ngày càng được củng cố. Thứ trưởng Bùi Văn Nam đề nghị tiếp tục giám sát chặt chẽ việc giải quyết đền bù cho dân, không để xảy ra sơ suất.
Bồi thường phải công khai, minh bạch
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình ghi nhận, đánh giá cao 4 tỉnh một mặt tập trung khắc phục sự cố môi trường biển, một mặt chăm lo tốt an sinh xã hội, đời sống người dân, hướng dẫn người dân trong việc sử dụng có hiệu quả tiền hỗ trợ của Nhà nước và phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Các hoạt động sản xuất, dịch vụ, du lịch đã có nhiều khởi sắc. Môi trường biển đã an toàn để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.
Theo Phó Thủ tướng, Công ty Formosa đã khắc phục cơ bản 52 lỗi vi phạm, có biện pháp giám sát đối với hồ sinh học xả thải ra môi trường, bước đầu sản xuất thép để xuất khẩu và đóng góp vào thu ngân sách nhà nước. Formosa cũng đã tham gia vào các hoạt động xã hội.
"Chúng ta vẫn tiếp tục giám sát chặt chẽ hoạt động của Formosa để tránh những vi phạm nảy sinh. Nếu có vi phạm, chúng ta kiên quyết xử lý. Đồng thời, giám sát chặt chẽ lò cao số 2, khi hoạt động không được xảy ra sự cố nào," Phó Thủ tướng nêu rõ.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ không giữ đồng nào tiền đền bù mà giao cho địa phương quản lý và triển khai chi bồi thường. Kiên quyết không mở rộng phạm vi và đối tượng được bồi thường, hỗ trợ. Về số hải sản tồn kho theo báo cáo của địa phương ngày càng tăng, nếu đúng phải bồi thường cho bà con, muốn vậy phải chứng minh rõ ràng, minh bạch, căn cứ nguồn gốc theo hướng dẫn của bộ, ngành, được cộng đồng xác thực chứ không thể mua gom ở đâu đó mang về để kê khai nhận đền bù, hỗ trợ.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương vào kiểm tra thực tế, cùng Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng về kết quả kiểm tra của mình trong tháng 8/2017.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần mọi hoạt động bồi thường phải đúng, công khai, minh bạch, dân chủ, đảm bảo có sự kiểm tra giám sát của cộng đồng, không để phát sinh tiêu cực.
Phó Thủ tướng nhắc nhở các bộ, ngành liên quan tiến hành khảo sát lại một lần nữa môi trường biển tại 4 tỉnh bị sự cố, nếu ở nơi nào môi trường biển bị hủy hoại mà chưa được tái tạo hoặc tái tạo chậm, cần khôi phục lại ngay./.