Cục Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) vừa nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ kết hợp ảnh viễn thám vệ tinh và ảnh UAV (máy bay không người lái) trong giám sát kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản.
Đây là cải tiến mới trong công tác giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản bằng ứng dụng công nghệ số, qua đó góp phần mang lại hiệu quả cao về kinh tế, tiết kiệm chi phí cũng như rút ngắn thời gian và sức lực của người lao động.
Theo đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động khai thác khoáng sản nhất là đối với các kim loại như vàng, quặng thiếc vẫn còn diễn biến phức tạp. Các khu vực khai thác khoáng sản không theo quy hoạch và trái phép thường ở vùng sâu, vùng xa, nơi có hạ tầng thấp kém, đi lại hết sức khó khăn nên việc tiếp cận rất khó khăn.
Trong khi đó, trở ngại lớn hiện nay là lực lượng cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra chuyên ngành còn khá mỏng; phương tiện, thiết bị cũng hết sức hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu,… nên việc phát hiện kịp thời và xử lý hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, thường hết sức khó khăn, bị động.
[Bộ TN-MT đốc thúc giải quyết các vấn đề nóng trong 6 tháng cuối năm]
Trước thực tế đó, Cục Viễn thám quốc gia đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ kết hợp ảnh viễn thám vệ tinh và ảnh UAV, với hy vọng sẽ giúp cơ quan quản lý dễ dàng theo dõi, giám sát, kiểm soát các hoạt động khai thác khoáng sản ở Việt Nam được xem là bước tiến mới trong kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản.
Chia sẻ về công nghệ trên, đại diện Cục Viễn thám quốc gia cho biết nhóm nghiên cứu đã xây dựng bộ cơ sở dữ liệu giám sát, kiểm soát hoạt động khai thác khoáng sản toàn miền Bắc, trong đó có các lớp thông tin được chiết tách từ ảnh Landsat, ảnh vệ tinh phân giải cao và ảnh UAV về hoạt động khai thác khoáng sản.
Bộ cơ sở dữ liệu trên được thiết lập với 7 lớp thông tin địa lý, 1 lớp về ranh giới vùng cấp phép khai thác khoáng sản và các lớp về khoanh vi diện tích vùng khai thác khoáng sản chiết tách từ ảnh vệ tinh và ảnh UAV để xác định vùng khai thác mới xuất hiện định kỳ với tần suất cần thiết.
Thông qua cơ sở dữ liệu, cơ quan quản lý sẽ thiết lập hệ thống bảng đánh giá, thống kê về diện tích khai thác khoáng sản đúng phép, vượt phép và khai thác trái phép; qua đó giúp cơ quan quản lý nhanh chóng phát hiện các khu vực nghi ngờ có hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở vị trí khó có khả năng tiếp cận cũng như kịp thời có dữ liệu, để triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời./.