Giám sát việc thực hiện phòng, chống xâm hại trẻ em tại Quảng Ninh

Hiện nay, tình hình trẻ em bị xâm hại đang có diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, để lại tổn hại nặng nề cho trẻ em, xã hội.
Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Đức Hiếu/TTXVN)


Ngày 3/10, Đoàn Giám sát của Quốc hội do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu làm Trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em giai đoạn 2015-2019.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao công tác phòng, chống xâm hại trẻ em của Quảng Ninh thời gian qua và lưu ý, tỉnh cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là phòng, chống xâm hại tình dục; phòng ngừa, phát hiện và trợ giúp kịp thời những trẻ em bị tổn hại; cung cấp, kết nối các dịch vụ xã hội kịp thời, có chất lượng cho trẻ em và gia đình của trẻ em.

Đồng thời, tỉnh cần tiếp tục xây dựng các mô hình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em phù hợp với tình hình địa phương, phù hợp với các nhóm đối tượng; phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ trẻ em nhằm thu hút sự tham gia một cách tích cực, tự giác của người dân trong các hoạt động vì trẻ em ở địa phương, tích cực tố giác các hành vi vi phạm quyền trẻ em với cơ quan chức năng, phản ánh các vấn đề mất an toàn, gây tổn hại cho trẻ em với chính quyền địa phương...

[Tăng cường bảo vệ quyền trẻ em ở các đô thị tại Việt Nam]

Các thành viên Đoàn giám sát cho rằng hiện nay, tình hình trẻ em bị xâm hại đang có diễn biến phức tạp, đối tượng phạm tội với tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, để lại tổn hại nặng nề cho trẻ em và xã hội.

Bên cạnh đó, việc phát hiện, báo cáo thông tin về hành vi xâm hại trẻ em còn chậm trễ, chưa kịp thời. Một số gia đình nạn nhân và gia đình của đối tượng còn tự thỏa hiệp bồi thường, khi không tự thỏa hiệp được mới trình báo các cơ quan chức năng.

Nhiều trường hợp chưa kịp thời thu thập vật chứng cần thiết để giao cho cơ quan công an, đã tạo điều kiện để người phạm tội có đủ thời gian xóa dấu vết hoặc lẩn trốn. Do đó, theo các đại biểu, cần nâng cao nhận thức, xử lý nghiêm các vụ việc để làm gương, làm rõ nguyên nhân để hạn chế các vụ xâm hại trẻ em.

Các đại biểu của tỉnh Quảng Ninh kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát chuyên đề việc thực hiện pháp luật về bảo vệ trẻ em và việc thực hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc xâm hại đối với trẻ em; sửa đổi một số điều luật phù hợp với tình hình thực tế, điển hình như tội "Giao cấu với người dưới 16 tuổi," tội "Dâm ô với người dưới 16 tuổi," Bộ luật Hình sự mới chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với người đã thành niên phạm tội còn người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi phạm tội thì không có căn cứ xử lý hình sự; bổ sung vào Bộ luật Hình sự một số tội danh như tội “Quấy rối tình dục trẻ em” để xử lý hình sự đối với một số hành vi liên quan đến việc xâm phạm tình dục trẻ em chưa được điều chỉnh bằng pháp luật hình sự...

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, toàn tỉnh có 315.788 trẻ em. Giai đoạn 2015-2019, số trẻ em bị xâm hại là 146 trẻ, đa số là trẻ bị xâm hại tình dục và bạo lực, các vụ việc xâm hại đã khiến bảy trẻ em tử vong.

Các cơ quan chức năng đã xử lý 16 vụ với 28 đối tượng. Độ tuổi trẻ em bị xâm hại ngày càng nhỏ hơn. Trước đây, trẻ bị xâm hại thường từ 13-18 tuổi thì nay xuất hiện nhiều vụ việc mà nạn nhân chỉ từ 5-13 tuổi. Thậm chí, có trường hợp trẻ mới 14 tháng tuổi bị dâm ô (huyện Ba Chẽ). Mặt khác, đối tượng xâm hại trẻ em đa dạng ở lứa tuổi, ngành nghề.

Ngày 4/10, Đoàn tiếp tục chương trình thăm và làm việc tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục