Giảm tác động từ giá xăng dầu tới doanh nghiệp và người dân

Theo chuyên gia, để giảm tác động từ giá xăng, giải pháp trước mắt và lâu dài là nhà nước, các ngành, doanh nghiệp phải sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hợp lý, đa dạng hóa các nguồn năng lượng khác.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Giá xăng dầu cùng tăng mạnh trong kỳ điều hành giá vừa rồi như “giọt nước tràn ly” đã được dự báo sẽ tác động tới nhiều hoạt động kinh doanh, vận tải. Nhiều nhà xe, tài xế, cơ sở kinh doanh vốn đã khó nay càng khó hơn trước diễn biến này.

Doanh nghiệp, người dân gặp khó

Từ đầu năm đến nay, xăng dầu trong nước đã qua 12 kỳ tăng giá. Hiện giá xăng A95 đã tăng vọt lên mốc 32.370 đồng/lít. Giá các mặt hàng dầu cũng vừa tăng rất cao, 2.490-2.630 đồng/lít, đẩy giá bán dầu diesel lên 29.020 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử.

Anh Nguyễn Anh Tú, chạy xe tuyến Hà Nội-Nội Bài chia sẻ, chỉ khoảng 1 năm trước, giá xăng chỉ ở ngưỡng hơn 20.000 đồng/lít, cước 1 chiều Hà Nội-Nội Bài từ 200.000 – 220.000 đồng. Trừ các chi phí, mỗi lượt chạy, lái xe cũng thu về được khoảng 100.000 đồng. Nhưng thời gian qua, giá xăng tăng mạnh, lên hơn 30.000 đồng/lít. “Dù giá cước cũng đã tăng theo lên 250.000 đồng/chiều, nhưng không ăn thua. Với mỗi cước chạy, giờ chỉ thu được về khoảng 50.000 đồng.”

Nhiều tuần nay, anh Tú liên tục cho xe “đắp chiếu” hoặc chỉ chạy khách thân quen để giữ khách. Không chỉ ôtô mà ngay cả những shipper xe máy cũng đang chịu tác động rất mạnh từ giá xăng tăng.

Anh Lâm Tiến Du, 433 Bạch Mai - shipper trên ứng dụng Aha cho biết, những đơn xa, mức cước rẻ thì đều được hủy chuyến hoặc chuyển sang các khung giờ thấp điểm, tránh đông đúc. Với mức cước từ 7-8km nhưng chỉ khoảng từ 30.000-40.000 đồng cước sẽ không đủ chi phí xăng xe. Thay vào đó, có thể chạy từ 5-6 chuyến gần 1-2km, nhàn hơn và đỡ tốn xăng.

[Bộ Công Thương nêu 3 giải pháp bình ổn thị trường và giá xăng dầu]

Đại diện Công ty vận tải Cường Thắng - bà Vũ Tuyết Hạnh cho hay, trước đây chi phí một chuyến Bắc-Nam khoảng 15 triệu đồng thì nay đã lên tới 30 triệu đồng, chưa tính các chi phí khấu hao, hỏng hóc. Dù thế nhưng lượng khách gửi hàng không được như trước, hiện nay khôi phục các hoạt động thông thương nhưng cũng chỉ được 60% so với trước dịch.

“Nhiều chuyến không đủ lượng hàng, chúng tôi chỉ chạy lấy hòa vốn, thậm chí lỗ chỉ để giữ khách. Việc đàm phán với khách hàng về tăng giá cước về cơ bản không thể nhanh và dễ dàng, bởi đơn hàng chạy đã được ký trước cả năm. Có chăng chỉ tăng được giá cước ở những đơn hàng lẻ. Chưa bao giờ doanh nghiệp rơi vào trạng thái khó khăn như hiện nay,” bà Hạnh nói.

Biến động giá xăng dầu tăng ngoài ảnh hưởng tới lĩnh vực vận tải thì cũng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người tiêu dùng và các cơ sở kinh doanh, buôn bán. Theo một số cửa hàng kinh doanh ở Hà Nội, giá hàng hóa sẽ không tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng mà có độ trễ. Tuy nhiên, thời gian qua, giá xăng tăng liên tục, giảm rất ít, nên các mặt hàng rau củ quả và nhu yếu phẩm đã bắt đầu tăng nhẹ, tăng theo giá xăng dầu.

Anh Đỗ Tuấn, chủ quán phở gà tại phố Bạch Mai (Hà Nội) cho hay, giá các nguyên liệu đều đã bị đội lên theo giá xăng nhiều tuần nay, đặc biệt là rau củ, hành hẹ, trứng gà. Việc này buộc cửa hàng phải tính tới tăng giá bán lên, bởi các chi phí cho 1 bát phở đã tăng tới hơn 20%.

Theo khảo sát ngày 16/6 tại chợ 8/3 và chợ Mơ Hà Nội, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn bán ra ở mức 32.000 đồng/chục trứng gà ta, 35.000 đồng/chục trứng vịt, tăng 3.000-4.000 đồng so với trước đó. Thịt gà ở mức 150.000 đồng/kg, tăng 50% so với đầu năm; giá dầu ăn 45.000-80.000 đồng/ lít, tăng 10.000-15.000 đồng so với năm ngoái…

Kìm đà tăng giá

Để kìm hãm đà tăng rất mạnh của giá xăng dầu, giảm tác động đến người dân, Phó giáo sư, tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay cần xem xét lại việc sử dụng Quỹ Bình ổn xăng dầu sao cho phù hợp, linh hoạt và đảm bảo tính hiệu quả.

ước vận tải xe khách đã có sự điều chỉnh sau khi giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Bởi về bản chất, nguồn tiền của Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền mà người dân trích ra từ giá xăng dầu, để cơ quan nhà nước sử dụng làm công cụ điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường, đặc biệt ở thời điểm giá tăng sốc.

Mặc dù thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã được giảm 50%, nhưng giá xăng dầu thế giới vẫn cao, trong khi việc trích lập vào quỹ sẽ khiến giá không giảm theo sát thị trường, người tiêu dùng không được hưởng lợi. Chính vì vậy, nhà điều hành nên trích lập Quỹ Bình ổn xăng dầu ở mức độ vừa phải; ưu tiên chi sử dụng, để chương trình phục hồi và phát triển kinh tế được hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, ông Thịnh nói thêm.

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam để giảm tác động từ giá xăng, giải pháp trước mắt và lâu dài là cả nhà nước, các ngành, doanh nghiệp phải tổ chức thực hiện quyết liệt chiến lược sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hợp lý, gắn với giảm suất tiêu hao xăng dầu trên một đơn vị sản phẩm, nâng cao hiệu suất sử dụng xăng dầu thông qua các biện pháp cụ thể.

Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa việc sử dụng các nguồn năng lượng khác có thể thay thế được mà nước ta có lợi thế như nhiên liệu sinh học, khí đốt, năng lượng tái tạo…

Ngoài những giải pháp tự thân, cần có chính sách hỗ trợ về tài chính, tiền tệ, gỡ bỏ các rào cản hành chính không hợp lý, bình ổn giá. Có thể tính tới giải pháp chính sách an sinh xã hội để hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế khi giá xăng dầu tăng quá cao như hiện nay.

Nhiều chuyên gia nhận định giá dầu thô toàn cầu sẽ khó có thể giảm trước những căng thẳng địa chính trị, do đó, theo diễn biến thế giới, giá xăng trong nước sẽ không thể hạ nhiệt. Để hỗ trợ người dân trước giá xăng, ông Bùi Duy Tùng, giảng viên kinh tế Đại học RMIT Việt Nam cho hay có hai giải pháp tạm thời là giảm các loại thuế và trợ giá xăng dầu.

Trong các loại thuế đánh vào giá xăng dầu, nhà nước nên xem xét giảm thêm thuế bảo vệ môi trường trong thời điểm này để hỗ trợ người dân. Tiếp theo, là giảm hoặc loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho việc sử dụng xăng dầu bởi đây là mặt hàng thiết yếu, không phải mặt hàng xa xỉ cần đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như ôtô, máy bay... Bên cạnh đó, cần xem xét miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và các loại phí để hạ nhiệt giá xăng dầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục