Gian nan con đường 'phá băng' quan hệ giữa Mỹ-Trung Quốc

Quan hệ của hai cường quốc này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến người dân hai bên, mà còn định hình và tác động sâu sắc đến tình hình an ninh và phát triển kinh tế toàn cầu hiện nay.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)

Gần đây, giữa Mỹ và Trung Quốc xuất hiện một số dấu hiệu “phá băng” quan hệ, hai nước đều đã áp dụng một loạt biện pháp xoa dịu tương ứng.

Kết quả ban đầu của sự tương tác

Quan hệ Mỹ-Trung đang ở trong giai đoạn tương tác khó khăn, mỗi tiến triển đều đáng mừng. Quan hệ của hai cường quốc này không chỉ trực tiếp ảnh hưởng đến người dân hai bên, mà còn định hình và tác động sâu sắc đến tình hình an ninh và phát triển kinh tế toàn cầu hiện nay.

Xét từ kinh nghiệm lịch sử, trong thời gian bầu cử Tổng thống Mỹ, các ứng cử viên sẽ có một số phát ngôn chỉ trích, thậm chí cứng rắn nhằm vào Trung Quốc, song muộn nhất là 18 tháng sau khi tổng thống mới lên cầm quyền, quan hệ hai nước sẽ trở lại trạng thái bình thường, thậm chí tích cực hơn.

Do ông Joe Biden luôn có lập trường tương đối ôn hòa, nên các nhà quan sát từng kỳ vọng thời kỳ thăm dò của hai nước sẽ rút ngắn.

[Những “điểm mù” trong cuộc chiến công nghệ giữa hai nước Mỹ-Trung]

Tuy nhiên, thực tế ngược lại, sau khi ông Biden lên cầm quyền, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác định quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ cấu trúc 3 chiều đối đầu, cạnh tranh và hợp tác: đối đầu trên những lĩnh vực cần đối đầu, cạnh tranh trên những lĩnh vực cần cạnh tranh, hợp tác trên những lĩnh vực cần hợp tác.

Dưới nhịp điệu đó, khi ông Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đến Alaska tham dự hội đàm, Mỹ áp đặt cái gọi là lệnh trừng phạt đối với các quan chức có liên quan của Trung Quốc, liên kết với vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), khiến cho không khí hội đàm Alaska căng thẳng và kéo dài thời gian “rã băng” quan hệ song phương.

Tuy nhiên, hai bên vẫn có mong muốn cải thiện quan hệ. Chuyến đi Thiên Tân của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman, đặc biệt là chuyến thăm của Đặc phái viên về vấn đề khí hậu John Kerry đã nhận được phản ứng thân thiện của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố ngừng xây dựng các dự án nhiệt điện ở nước ngoài, điều này đã giúp cải thiện đáng kể bầu không khí, ông John Kerry đặc biệt đánh giá rất cao.

Sau khi ông Tần Cương đến Mỹ đảm nhận trọng trách đại sứ cũng đã tích cực tham gia nhiều hoạt động và hội nghị trực tuyến, thúc đẩy phát triển quan hệ Mỹ-Trung.

Khi đề cập đến quan hệ Mỹ-Trung, ông Tần Cương nhấn mạnh nhiệm vụ tăng cường kết nối đối thoại với các giới của Mỹ, hai nước đang trong quá trình thăm dò, tìm kiếm con đường hòa hợp mới, ông sẽ nỗ lực để cho sự tương tác này trở nên ổn định hơn và ít xung khắc hơn. Có thể thấy những dấu hiệu tan băng gần đây là kết quả ban đầu của sự thăm dò này.

Do quán tính trong quan hệ của hai nước dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ định vị quan hệ Mỹ-Trung là quan hệ cạnh tranh, trong nước Mỹ tồn tại tâm lý phản đối Trung Quốc tương đối mạnh mẽ.

Cơ cấu mong manh của đảng Dân chủ ở Thượng viện đã hạn chế chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden, đồng thời những mâu thuẫn và xung đột lợi ích giữa hai nước sẽ khiến cho quan hệ Mỹ-Trung gặp nhiều khó khăn trắc trở trong thời gian tới.

Trả tự do cho bà Mạnh Vãn Châu là một trong số bước đi đầu tiên, bước tiếp theo Mỹ và Trung Quốc cần phải nỗ lực “xuống thang” căng thẳng, hủy bỏ hoặc xử lý mềm hóa vấn đề trừng phạt các quan chức liên quan.

Nhân viên công vụ hai bên đều phục vụ nước mình, thực hiện chức trách theo quy định của chính phủ mỗi bên, mặc dù các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân có hiệu ứng gây căng thẳng, nhưng lại thiếu tính hợp pháp và hợp lý về phương diện pháp luật và chính trị quốc tế.

Những vấn đề ở cấp độ ngoại giao phải để cho các nhà ngoại giao xử lý bằng phương thức ngoại giao. Xét về hiệu quả thực tế, các biện pháp trừng phạt cá nhân không có hiệu quả và giá trị dài lâu, ở quốc gia nào thì nhân viên chính phủ luôn thay đổi.

Đương nhiên, về phía Mỹ cũng sẽ có những yêu cầu riêng, đòi hỏi hai bên xử lý một cách thiện chí.

Tăng cường trao đổi thương mại

Trong ngắn hạn, lĩnh vực hai bên có thể tương tác bằng phương thức tích cực hơn là thương mại.

Bà Katherine Tai đã đưa ra bốn phương hướng điều chỉnh chính sách thương mại đối với Trung Quốc: một là thực hiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1; hai là trợ cấp chính phủ và chính sách công nghiệp, Mỹ cho rằng không phù hợp với thương mại tự do; ba là những vấn đề dẫn đến áp thuế bổ sung; bốn là xây dựng quy tắc thương mại công bằng.

Đương nhiên, đây là những vấn đề do Mỹ đơn phương đưa ra. Trung Quốc có lập trường, lợi ích và yêu cầu riêng của mình.

Nói một cách tương đối, nhận thức và lập trường của Chính quyền Tổng thống Joe Biden về phương diện thương mại có sự khác biệt khá lớn so với ông Donald Trump.

Bà Katherine Tai nhấn mạnh trong bài phát biểu rằng Mỹ không muốn gây ra căng thẳng thương mại với Trung Quốc. Trong nền kinh tế toàn cầu, việc Mỹ và Trung Quốc cắt đứt thương mại là vấn đề không thực tế, đồng thời cho rằng hai bền cần tái tương tác.

Đây là tín hiệu tương đối tích cực, hai bên có triển vọng đạt được thành quả khả quan trong lĩnh vực này, và Trung Quốc cần nắm chắc cơ hội này.

Ngoài bốn vấn đề nói trên, nội dung bà Katherine Tai không quên đề cập là cơ hội việc làm của lao động Mỹ, đây là vấn đề đảng Dân chủ đặc biệt quan tâm, vì có liên quan đến phiếu bầu của đảng Dân chủ.

Trung Quốc có thể thực hiện Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, mua nông sản của Mỹ và các lĩnh vực khác có lợi cho việc tăng cường việc làm và quyền lợi của lao động Mỹ, đưa ra một số thu xếp và nhượng bộ, hỗ trợ và phối hợp ở mức độ nhất định đối với chương trình khởi động xây dựng cơ sở hạ tầng của Mỹ.

Trung Quốc cũng có thể tìm cách xóa bỏ thuế quan bổ sung, tiến hành một số giao dịch quyền sở hữu trí tuệ trên các lĩnh vực không liên quan đến an ninh quốc gia, đưa ra một số thu xếp về phương diện mở cửa đầu tư, cũng như nội dung không thể thiếu trong các đơn hàng là mua một số máy bay Boeing.

Đây là lĩnh vực có thể hợp tác cùng thắng, Mỹ nên giảm nhẹ định nghĩa “cạnh tranh,” cơ hội việc làm có trong tăng cường thương mại, chứ không phải hạn chế thương mại, trừng phạt thương mại.

Các vấn đề giữa Mỹ và Trung Quốc rất nhiều và trải dài trên diện rộng, danh sách tương tác không thể liệt kê. Hơn nữa, một số vấn đề then chốt e rằng không thể giải quyết được trong ngắn hạn.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hội đàm cấp đại sứ giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài từ ngày 1/8/1955 cho mãi đến ngày 20/2/1970, giữa hai nước đã tiến hành 136 cuộc hội đàm cấp đại sứ, các vấn đề không đạt được nhiều tiến triển nào.

Đột phá thật sự của quan hệ Mỹ-Trung khi đó là chuyến thăm Trung Quốc của cựu Cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger dưới thời cố Tổng thống Richard Nixon.

Việc loại bỏ “ba trở ngại lớn” trong quan hệ Trung Quốc-Liên Xô bắt đầu từ thời Brezhnev kéo dài đến thời Gorbachyov mới đạt được tiến triển, thực hiện bình thường hóa quan hệ, song cách thời điểm sụp đổ của Liên Xô không xa. Do đó, sự tiếp xúc lâu dài của quan hệ Mỹ-Trung cần phải có đủ sự kiên nhẫn chiến lược, đòi hỏi chiến lược lớn và trí tuệ lớn.

Nhận thức chính xác “Bẫy Thucydides”

Điểm mấu chốt nhất trong tương tác lâu dài Mỹ-Trung vẫn là điều ông Dương Khiết Trì đặc biệt nhấn mạnh Mỹ sẽ định vị Trung Quốc là cạnh tranh, về bản chất là đối thủ, và theo một nghĩa nhất định nào đó là kẻ thù, Trung Quốc phản đối cách định vị này.

Trong vấn đề trên, Mỹ cũng tốt, phương Tây cũng tốt, và Trung Quốc cũng tốt, cần phải có nhận thức đúng đắn đối với cái gọi là “Bẫy Thucydides,” không nên rơi vào thuyết định mệnh lịch sử. Thucydides phân tích nguyên nhân chiến tranh giữa Athens và Sparta, đó là sự phát triển sức mạnh của Athens dẫn đến sự lo sự của Sparta.

Đây là nguồn gốc của “Bẫy Thucydides.” Trong lịch sử, các cường quốc mới nổi và các cường quốc thống trị đã xảy ra một số cuộc chiến tranh xoay quanh vấn đề tranh đoạt quyền thống trị toàn cầu hoặc khu vực, bao gồm đế chế La Mã hủy diệt hoàn toàn Carthago, đế chế Napoleon và Đức quốc xã tìm cách thống trị châu Âu, thậm chí thế giới.

“Bẫy Thucydides” không phải là toàn bộ lịch sử, cũng không phải là tất yếu, nó chỉ xuất hiện khi đáp ứng các điều kiện lịch sử nhất định. Duy trì cảnh giác đối với vấn đề này là điều hợp lý, nhưng rơi vào thuyết định mệnh lịch sử không những là sai lầm nhận thức, mà còn rất nguy hại, sẽ khiến nó trở thành lời tiên tri ứng nghiệm.

Mặc dù Mỹ và Trung Quốc có một số đặc trưng bên ngoài của quan hệ giữa nước thống trị và nước mới nổi, nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, quan hệ kinh tế hai nước phụ thuộc lẫn nhau, quan hệ hai nước đã vượt qua những điều kiện mà “Bẫy Thucydides” đặt ra.

Thái độ của bà Katherine Tai đối với vấn đề “tách rời” lần này đã loại trừ những điều kiện đó.

Hiện nay hai cường quốc đều sở hữu hạt nhân, nếu rơi vào chiến tranh như Athens và Sparta thì không bên nào có thể nhường bước.

Lối thoát của quan hệ Mỹ-Trung nằm ở việc tăng cường hiểu biết và thông cảm lẫn nhau, nhiều vấn đề bắt nguồn từ sự khác nhau về giai đoạn phát triển và tình hình trong nước, sự khác biệt của nền tảng văn hóa.

Sẽ có một ngày, Mỹ sẽ thực sự nhận thấy rằng đối với Mỹ và phương Tây, xung đột văn hóa đến từ một nơi khác đáng để họ quan tâm ứng phó hơn so với “Bẫy Thucydides.” Giữa Mỹ và Trung Quốc có thể tương tác lâu dài với kỳ vọng lạc quan hơn, thiện chí đầy đủ hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục