Tuần trước, Mỹ đã ám chỉ sẽ “phá băng” tình trạng tranh chấp thương mại với Trung Quốc, làm dấy lên những kỳ vọng về việc hồi sinh chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng các nước Đông Nam Á và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), vốn đang được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, sẽ không chịu nhiều tác động tiêu cực.
Những tín hiệu tích cực
Ngày 4/10, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai lần đầu tiên cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ mở ra chính sách thương mại mới đối với Trung Quốc, bao gồm trực tiếp tiếp xúc với Trung Quốc và chính sách công nghiệp của nước này, đồng thời nhấn mạnh mục đích của Washington không phải là làm trầm trọng thêm căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Bà Katherine Tai nhấn mạnh Mỹ sẽ khởi động tiến trình tự miễn thuế có mục đích, cho phép doanh nghiệp Mỹ xin miễn thuế quan bổ sung đối với một số mặt hàng Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ. Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung ảnh hưởng đến khối lượng hàng hóa trị giá khoảng 550 tỷ USD, trong đó khoảng 350 tỷ USD là hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trung Quốc thể hiện sự hoan nghênh đối với động thái này.
Cùng ngày, Tân Hoa xã viện dẫn phát biểu trước đó ít hôm của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng bản chất của quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung là cùng thắng và chiến tranh thương mại chỉ mang lại thất bại cho cả hai bên.
[Cố vấn an ninh Mỹ: Quan hệ với Trung Quốc có dấu hiệu cải thiện]
Chính trị gia này bày tỏ hy vọng Mỹ thực sự tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường và quy tắc kinh tế thương mại quốc tế, cùng Trung Quốc nỗ lực thúc đẩy phát triển ổn định và lành mạnh quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung.
Từ ngày 1-7/10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không tổ chức họp báo thường kỳ do nghỉ lễ Quốc khánh.
Ngày 8/10, bên cạnh việc nhắc lại phát biểu nói trên của bà Hoa Xuân Oánh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cũng cho rằng sự hình thành và phát triển của chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu là kết quả cùng tương tác của quy luật thị trường và sự lựa chọn của doanh nghiệp.
Ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh việc thúc đẩy giả tạo sự “chuyển dịch hoặc tách rời” sản xuất là đi ngược lại quy luật kinh tế và hiện thực khách quan, không những không thể giải quyết các vấn đề nội tại của từng quốc gia mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến sự ổn định và an ninh của chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp Jayant Menon, việc Mỹ và Trung Quốc hạ thấp thuế quan sẽ khởi động hoạt động sản xuất hàng điện tử và thiết bị cơ giới.
Chuyên gia Jayant Menon cho rằng nếu so với các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp như quần áo và giày dép…, hàng điện tử và thiết bị cơ giới là hàng hóa quan trọng nhất trong nền tảng thương mại toàn cầu hiện nay.
Lợi thế vẫn tồn tại
Chuyên gia Jayant Menon nhấn mạnh thêm, bản chất của chuỗi giá trị và cung ứng là phụ thuộc lẫn nhau. Việc rút vốn ra khỏi quốc gia này có thể mang lại lợi ích lớn hơn cho quốc gia khác, song mục đích cuối cùng vẫn là một hệ thống có khả năng hỗ trợ toàn bộ để đảm bảo các hoạt động bình thường, không bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Theo Jonathan Ravelas, Giám đốc phân tích chiến lược thị trường của Ngân hàng Tài chính Philippines, việc tình hình giữa Mỹ và Trung Quốc có thể cải thiện là một điều tích cực và công chúng sẽ là người được hưởng lợi.
Sau khi cựu Tống thống Mỹ Donald Trump phát động chiến tranh thương mại với Trung Quốc vào năm 2018, các doanh nghiệp xuyên quốc gia của nhiều nước ở Trung Quốc đã di dời hoạt động sản xuất sang các nước Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là các hoạt động sản xuất giày dép, quần áo và hàng hóa tiêu dùng phổ thông.
Giám đốc Jonathan Ravelas nhấn mạnh, nếu quan hệ thương mại Mỹ-Trung gặp khó khăn, các nước xung quanh, bao gồm Phillipnes, chắc chắn sẽ hưởng lợi.
Do đó, liên quan đến băn khoăn sau khi quan hệ thương mại Mỹ-Trung được cải thiện, liệu dòng vốn đầu tư nước ngoài rời khỏi Trung Quốc trước đó có quay lại hay không, các chuyên gia cho rằng những ảnh hưởng trên phương diện này rất hạn chế.
Theo chuyên gia Jayant Menon, trước khi xảy ra chiến tranh thương mại, các nhà sản xuất đã tính toán phương án chuyển đến các khu vực ngoài Trung Quốc, điều này là do giá lao động của Trung Quốc tăng cao và cơ quan quản lý chức năng thắt chặt các quy định pháp luật về môi trường. Xu hướng này vẫn có thể kéo dài ngay cả khi sức nóng của cuộc chiến tranh thương mại giảm đi.
Lương Quốc Nguyên, Giám đốc Viện nghiên cứu kinh tế tổng hợp Yuanta-Polaris Đài Bắc, cho rằng nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn-sản phẩm, vốn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của Đài Loan, sẽ tiếp tục tăng, vì vậy Đài Loan sẽ không cảm thấy khó khăn.
Có thể năng lực cạnh tranh của vùng lãnh thổ này cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng vấn đề này vẫn còn quá sớm để nói vào thời điểm hiện nay. Trong ngắn hạn, ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan vẫn rất mạnh./.