Lần đầu tiên kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai đã giải thích về chính sách thương mại với Trung Quốc của chính quyền của ông Biden tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ (CSIS).
Nhìn chung, bài phát biểu của bà Katherine Tai gồm các nội dung như triển khai các quy trình bỏ một số loại thuế quan nhất định, thảo luận về Thỏa thuận thương mại giai đoạn một và sử dụng các công cụ thương mại mới, đồng thời tập hợp đồng minh để định hình các quy tắc thương mại thế kỷ XXI. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cũng bày tỏ sẵn sàng thảo luận với phía Trung Quốc.
Theo Lưu Anh, Nghiên cứu viên, Chủ nhiệm Ban hợp tác nghiên cứu, Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương, Đại học Nhân dân của Trung Quốc, so với chính sách bảo hộ thương mại và chủ nghĩa đơn phương của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, bà Katherine Tai, vốn nổi tiếng qua vụ việc đất hiếm và từng tham gia đàm phán Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Canada-Mexico, đã quay trở lại đường lối thực dụng.
Phần đầu của cách tiếp cận trên có vẻ là chính sách quy mô lớn, trong khi phần sau là một chính sách mang tính cơ cấu; phần đầu theo chủ nghĩa trọng thương, phần sau hướng đến xây dựng quy tắc; phần đầu hàm ý chiến đấu một mình, trong khi phần sau tập hợp các đồng minh; phần đầu nhằm phá bỏ các cơ chế, phần sau lại nhằm xây dựng cơ chế.
Chín tháng kể từ khi ông Biden lên nắm quyền, đã có hơn 10 cuộc trao đổi cấp cao giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng chính sách đối với Trung Quốc của Mỹ vẫn chưa được làm rõ. Việc Giám đốc tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Châu được trả tự do và trở về Trung Quốc gần đây là một dấu hiệu ấm lên trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.
Bài phát biểu của bà Katherine Tai cũng cho thấy những thay đổi mới trong quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng công cụ thương mại
Bà Katherine Tai đã lặp lại giọng điệu cũ của chính quyền cựu Tổng thống Trump, bắt đầu với việc cáo buộc Trung Quốc không tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu, làm tổn hại sự thịnh vượng của Mỹ và các nước khác. Mỹ phải áp dụng tất cả các biện pháp cần thiết mới. Đây là sự tiếp nối luận điệu biện hộ cho cái gọi là tính hợp pháp của việc sử dụng các công cụ thương mại mới nhằm vào Trung Quốc.
Tuy nhiên, so với chính sách của ông Trump, chính quyền của ông Biden thực tế hơn. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai thừa nhận Trung Quốc và Mỹ cần tái kết nối, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ kinh tế-thương mại giữa hai nước, và một lần nữa bày tỏ quan tâm đến việc đàm phán với Trung Quốc.
Trong giai đoạn then chốt khi đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành và kinh tế thế giới đang phục hồi, quá trình toàn cầu hóa kinh tế đang đứng trước xu hướng mới và sự thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã làm gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính toàn cầu. Xu hướng quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc không chỉ là vấn đề của Trung Quốc và Mỹ, mà còn là vấn đề có tầm ảnh hưởng toàn cầu.
[Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Trung: Đông Nam Á còn hưởng lợi?]
Trong 40 năm qua, quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc nhìn chung đã có những bước phát triển tích cực, nền kinh tế hai nước chiếm khoảng 42% nền kinh tế thế giới, đóng góp của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế thế giới là 30%. Tuy nhiên, 5 năm qua, kinh tế, thương mại Mỹ-Trung Quốc bị cản trở nghiêm trọng, thậm chí tiến tới tình trạng "tách rời." Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của hai nước, mà còn ảnh hưởng đến quan hệ chính trị giữa hai bên.
Nếu đánh giá cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc do Mỹ khởi xướng ở góc độ giảm thâm hụt thương mại, thì các biện pháp của Mỹ không thực sự hiệu quả. Thực tiễn trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung Quốc 4 năm qua cho thấy các mức thuế quan do Mỹ và Canada áp đặt không những không giúp giảm thâm hụt thương mại, mà còn làm tăng lạm phát và hạ thấp phúc lợi của người dân.
Kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền, các quan chức cấp cao Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần trao đổi, Trung Quốc đã đưa ra hai danh sách và ba điểm mấu chốt cho quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Gần đây, Mỹ đã chủ động liên lạc với Trung Quốc, đưa ra tín hiệu muốn làm ấm lên quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Vậy làm thế nào để Trung Quốc và Mỹ tái “kết nối”? Tháo dây phải là người buộc dây, xu hướng quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn tùy thuộc vào những hành động cụ thể của Mỹ.
Hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có lợi cho cả hai, ngược lại đối đầu sẽ gây tổn hại cho cả hai. Là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc và Mỹ không thể theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ. Nếu cứ theo đuổi, không chỉ quan hệ hai nước và lợi ích cơ bản của người dân hai nước mà tương lai của cả thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bà Katherine Tai tin rằng quan hệ Mỹ-Trung là một trong những vấn đề toàn cầu quan trọng nhất và Mỹ-Trung nên tái kết nối, thay vì “tách rời.” Đây là lần thừa nhận khách quan đầu tiên của Mỹ trong suốt 4 năm xung đột thương mại vừa qua.
Bốn năm xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc chứng minh rằng các mức thuế Mỹ áp đặt sẽ không giúp cân bằng cấu trúc thương mại và giảm thâm hụt thương mại.
Thứ nhất, thâm hụt thương mại của Mỹ không giảm mà còn tăng lên, chứng tỏ cuộc chiến thuế quan Mỹ khởi xướng đã thất bại. Từ tháng 1 đến tháng 8/2021, kim ngạch thương mại Mỹ-Trung Quốc đã tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn 2,1% so với tốc độ tăng trưởng ngoại thương của Trung Quốc (23,7%), thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ cũng tăng thêm 17%. Do cung và cầu bị thắt chặt, chi phí vận chuyển bằng container giữa hai nước đã tăng 10 lần.
Thực tế cho thấy ngay cả trong giai đoạn diễn ra xung đột thương mại Mỹ-Trung Quốc và đại dịch COVID-19, quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc vẫn rất chặt chẽ. Cuộc chiến thuế quan do ông Trump khởi xướng nhằm xóa bỏ thâm hụt thương mại đã thất bại.
Kể từ khi chính quyền của ông Trump áp mức thuế cao đối với thép và nhôm nhập khẩu ngày 23/3/2018, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và các quốc gia khác đã leo thang, đặc biệt là đối với Trung Quốc, nước có thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới. Từ thương mại đến khoa học công nghệ, nhân quyền, giáo dục và các lĩnh vực khác, Mỹ làm tất cả những gì có thể, thậm chí là "tách rời" khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, kết quả rất rõ ràng.
Theo lời của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, điều này đã làm tăng gánh nặng cho người tiêu dùng Mỹ. Theo các khảo sát và tính toán, về cơ bản người tiêu dùng Mỹ phải trả hơn 92% mức thuế bổ sung. Điều này có thể làm giảm phúc lợi của người dân Mỹ, khiến cuộc sống của họ trong giai đoạn đại dịch COVID-19 tồi tệ hơn, và không có tác dụng gì trong việc xóa bỏ thâm hụt thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Bên cạnh đó, không có cơ sở khoa học nào cho việc ông Trump khơi mào xung đột thương mại với lý do xóa bỏ thâm hụt thương mại. Đầu tiên, đồng USD là tiền tệ quốc tế, và chỉ có đồng USD mới có thể xuất khẩu khi thâm hụt ngoại thương.
Thứ hai, Trung Quốc và Mỹ nằm ở trung tâm chuỗi giá trị toàn cầu về sản xuất, thiết kế và thương mại, đồng thời việc Trung Quốc là nước sản xuất chính có nghĩa là nước này xuất khẩu nhiều nhất về mặt số liệu thống kê.
Cuối cùng, nhìn từ góc độ lợi thế cạnh tranh và nguồn tài nguyên, bãi bỏ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ cao, đồng thời xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang Trung Quốc là giải pháp tốt nhất để Mỹ giảm thâm hụt thương mại.
Vì vậy, ngay từ đầu, khơi mào xung đột thương mại với cái cớ giảm thâm hụt thương mại là một biện pháp cực đoan để bảo vệ lợi ích của Mỹ. Thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết giữa Mỹ và Trung Quốc yêu cầu Trung Quốc mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ trong hai năm. Thỏa thuận này được ký kết khi đại dịch COVID-19 chưa bùng phát và tình hình kinh tế toàn cầu thuận lợi.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình đã có những thay đổi lớn, việc buộc tội Trung Quốc không thực hiện theo thỏa thuận không phù hợp với tình hình khách quan. Thương mại quốc tế dựa trên nhu cầu của các bên trên cơ sở bình đẳng và tự nguyện.
Do đó, xu hướng mới của kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc nên dựa trên cơ sở bình đẳng, chứ không phải áp đặt cho đối phương. Sửa chữa những sai lầm dưới thời Tổng thống Trump có lẽ là điều kiện tiên quyết và cách tiếp cận thực dụng để tái đàm phán, đồng thời cũng là một khởi đầu tốt đẹp cho sự kết nối kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc.
Mặt khác, cuộc chiến thuế quan do Mỹ khởi xướng đã làm tăng áp lực lạm phát ở Mỹ và đó là lý do tại sao bà Katherine Tai muốn bỏ một số loại thuế quan. Để đối phó với đại dịch COVID-19, Mỹ đã áp dụng mức lãi suất 0% cùng với chính sách tiền tệ nới lỏng không giới hạn từ tháng 3/2020 để giải cứu thị trường với lượng tiền lớn; đồng thời triển khai nhiều kế hoạch kích thích tài khóa với quy mô chưa từng có (tổng trị giá gần 10.000 tỷ USD).
Trên hết, cú sốc nguồn cung do biến thể Delta gây ra cuối cùng đã khiến lạm phát của Mỹ tăng liên tục trong năm nay với mức tăng hơn 4%. Kể từ tháng Năm, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ lạm phát cơ bản đã vượt quá 4% và Chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng hơn 8% so với cùng kỳ năm trước.
Trước sức ép về việc làm, lạm phát và phục hồi kinh tế, Mỹ đã phải cố gắng xoay sở với các chính sách kích thích tài tài khóa, tiền tệ. Lạm phát của Mỹ không chỉ tăng cao mà còn gây áp lực đối với thế giới thông qua xuất khẩu lạm phát. Các mức thuế quan Mỹ áp dụng đối với Trung Quốc đã đẩy giá cả lên cao và gây áp lực lên người dân Mỹ. Để kiểm soát thiệt hại kinh tế do giá cả tăng cao, Mỹ phải loại bỏ thuế quan đối với một số sản phẩm. Đó không phải là sự nới lỏng đối với Trung Quốc, mà chỉ là nỗ lực kiểm soát lạm phát.
Mỹ cũng cần giảm căng thẳng thương mại với Trung Quốc trước tác động của đại dịch COVID-19. Với dân số hơn 300 triệu người, Mỹ ghi nhận số ca bệnh và ca tử vong cao nhất thế giới.
Đại dịch COVID-19 không chỉ gây ra các vấn đề xã hội, y tế mà còn cả các vấn đề kinh tế đối với Mỹ. Trong “cỗ xe tam mã” tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính.
Dịch COVID-19 đã hạn chế tiêu dùng và do đó tác động đến nền kinh tế Mỹ. Hiện tại, các cơ quan Mỹ và quốc tế đã hạ kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 hơn 1% đối với Mỹ. Mỹ hiện đang phải đối mặt với không chỉ các vấn đề kinh tế, mà còn là khoản nợ gần 30.000 tỷ USD. Do Mỹ bơm lượng tiền khổng lồ vào nền kinh tế, nên Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và các nước khác đã giảm các khoản nợ của Mỹ mà các nước này nắm giữ. Điều này cho thấy các nước quan ngại về sự sụt giảm uy tín của trái phiếu kho bạc Mỹ.
Hành động ứng phó của Trung Quốc
Trung Quốc đang làm gì để đáp trả những hành động cực đoan của ông Trump? Để đối phó với những xung đột thương mại do Mỹ khởi xướng, Trung Quốc đang chuyển từ xã hội nghèo đói sang một xã hội khá giả toàn diện. Trung Quốc đã quyết tâm cải cách hơn để đạt được nền kinh tế chất lượng cao cùng độ mở nền kinh tế lớn và Trung Quốc đang thể hiện bằng những hành động cụ thể.
Thỏa thuận thương mại giai đoạn một Mỹ-Trung Quốc yêu cầu Trung Quốc mua 200 tỷ USD hàng hóa nông sản, sản phẩm chế tạo, năng lượng và dịch vụ của Mỹ trong vòng hai năm. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thỏa thuận này không thể được thực hiện đầy đủ, nhưng Trung Quốc vẫn đang nỗ lực thực hiện.
Dù dịch COVID-19 là trường hợp bất khả kháng chưa từng có tiền lệ, dù Chính phủ Mỹ đã thay đổi, dù Trung Quốc vẫn nước đang phát triển với 1,4 tỷ dân, Trung Quốc vẫn hoàn thành hầu hết Thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Về vấn đề trợ cấp, ý định của Mỹ trong việc kiềm chế sự phát triển của Trung Quốc không hề giảm sút. Việc bà Katherine Tai cáo buộc các khoản trợ cấp của Trung Quốc nhằm gây sức ép với Trung Quốc với cái cớ thương mại công bằng. Về những khoản trợ cấp của Trung Quốc cho nông nghiệp, thép và chất bán dẫn như Mỹ nói, Trung Quốc đã trợ cấp cho ngành nông nghiệp từ trước khi cải cách và mở cửa, và hiện nay thu nhập của người nông dân Trung Quốc vẫn chưa cao. Để đạt được sự thịnh vượng chung, công nghiệp nên hỗ trợ nông nghiệp. Điều này hợp pháp và chính đáng hơn các khoản trợ cấp cho nông nghiệp của Mỹ.
Đối với ngành thép, Trung Quốc vẫn đang kiểm soát chặt chẽ việc giảm phát thải và bảo vệ môi trường, thúc đẩy cải tiến công nghệ trong ngành thép. Đối với chất bán dẫn, Báo cáo đánh giá tình hình 100 ngày về chuỗi cung ứng của Chính quyền Tổng thống Biden đã nêu rõ ngành công nghiệp bán dẫn là động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm cho Mỹ.
Để đối phó với thực trạng thị phần của Mỹ trong ngành bán dẫn toàn cầu đã giảm mạnh từ 37% xuống 12% trong 20 năm qua, một mặt Mỹ phân bổ vốn cho Đạo luật Chip Mỹ theo Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng năm 2021 (bước đầu là 50 tỷ USD). Mặt khác, Mỹ hạn chế sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Mỹ không xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc và hạn chế xuất khẩu từ các nước khác sang Trung Quốc thông qua "Thỏa thuận Wassenaar." Ngành sản xuất của Trung Quốc là độc lập và Mỹ không có quyền can thiệp.
Không chỉ vậy, Trung Quốc vẫn kiên định con đường cải cách, mở cửa, xây dựng mô hình phát triển mới với vòng tuần hoàn trong nước làm chủ đạo, vòng tuần hoàn kép trong nước và quốc tế thúc đẩy lẫn nhau. Để thúc đẩy phát triển kinh tế chất lượng cao, Trung Quốc đang đẩy mạnh cải cách sâu rộng, bao gồm cả lĩnh vực tài chính. Tính đến nay, Trung Quốc đã ký gần 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) và nước này cũng đang triển khai những hành động cụ thể để thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế.
Về hợp tác kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc, Trung Quốc luôn mở cửa và hy vọng hai bên đàm phán trên cơ sở bình đẳng. Dù chịu tác động từ nhiều yếu tố bất lợi, Trung Quốc vẫn đang tích cực triển khai Thỏa thuận thương mại giai đoạn một, đến nay đã hoàn thành hơn một nửa. Đồng thời, một trong những biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết thâm hụt thương mại Mỹ-Trung Quốc là nới lỏng các biện pháp kiểm soát công nghệ.
Do thương mại dịch vụ Mỹ-Trung Quốc sụt giảm vì ảnh hưởng của dịch bệnh, để giải quyết thâm hụt thương mại Mỹ-Trung Quốc hiện tại, giải tỏa mối lo của Mỹ về thâm hụt và lao động (được gọi là chủ nghĩa tiến bộ), Trung Quốc và Mỹ cần giảm thuế quan, tìm ra những đột phá trong giao thương các sản phẩm công nghệ.
Vì Mỹ không có lợi thế cạnh tranh về phân công lao động quốc tế trong các lĩnh vực sản xuất khác, nhưng lại có thế mạnh tương đối về các sản phẩm công nghệ, Mỹ nên nắm bắt cơ hội để tăng cường xuất khẩu. Nếu không, Mỹ chỉ có thể buộc Trung Quốc phải tiến hành các nghiên cứu phát triển độc lập hoặc bù đắp phần thiếu hụt bằng sản phẩm từ các quốc gia khác. Khi đó, Mỹ khó có cơ hội thương mại mới để tạo thêm việc làm và thất nghiệp có thể trở thành vấn đề dai dẳng.
Về việc thúc đẩy cải cách sâu rộng, Trung Quốc đang đáp lại những quan ngại của cộng đồng quốc tế bằng những hành động cụ thể. Sau 8 năm và 31 vòng đàm phán với 15 nước, ngày 15/11/2020, Trung Quốc đã ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với 15 nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, vốn là hiệp định thương mại tự do với khối lượng và quy mô thương mại lớn nhất thế giới.
Không chỉ vậy, năm ngoái Trung Quốc còn chủ động đề xuất xem xét việc tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và tháng Chín vừa qua nước này đã chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP. Hiệp định này đặt ra những tiêu chuẩn rất cao, dù là trong lĩnh vực lao động, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp nhà nước, sở hữu trí tuệ hay tính nhất quán về các quy định. Việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP thể hiện lòng tin của Trung Quốc vào việc cải cách sâu rộng và quyết tâm bảo vệ chủ nghĩa đa phương, chống lại chủ nghĩa đơn phương, đồng thời phản ánh ý chí của Trung Quốc trong việc thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế.
Về khía cạnh thúc đẩy mở cửa và cải cách sâu rộng, Trung Quốc đang thể hiện quyết tâm cải cách và mở cửa bằng những hành động cụ thể. Lấy ngành tài chính, lĩnh vực quan trọng nhất trong an ninh ngành nghề, làm ví dụ. Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề xuất cải cách tài chính sâu rộng tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao tháng 4/2018, với tinh thần "muộn còn hơn không, nhanh sẽ hơn chậm," Trung Quốc đã quyết liệt thúc đẩy mở cửa ngành tài chính.
Nhìn từ danh mục hướng dẫn mở cửa ngành tài chính Trung Quốc, có thể thấy Trung Quốc chỉ mất chưa đầy ba năm. Các hạn chế ban đầu về tỷ lệ cổ phần của ngành ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, hợp đồng tương lai và các ngành tài chính khác đã được bãi bỏ hoàn toàn, ngành tài chính Trung Quốc đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế đối với đầu tư nước ngoài sau năm 2020.
Hiện có hơn 100 ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quản lý tài sản và các tổ chức tài chính khác đã thiết lập hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc. Với vị thế là thị trường tiêu dùng lớn nhất và thị trường có tiềm năng tăng trưởng nhất thế giới, Trung Quốc đã trở thành nơi trú ẩn an toàn và nguồn tăng trưởng cho các công ty Mỹ cũng như các nước khác.
Để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế chất lượng cao và mức độ mở cửa cao, cũng như thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy thương mại với Mỹ và các nước khác, từ đó thúc đẩy sự phục hồi của nền kinh tế thế giới sau đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã quyết liệt thúc đẩy cải cách, mở cửa. Tuy nhiên, Mỹ vẫn tiếp tục sử dụng những lý thuyết nhằm đổ trách nhiệm cho Trung Quốc về những vấn đề trong nước của Mỹ, cáo buộc công nhân Trung Quốc giành việc làm của công nhân Mỹ, cáo buộc công ty Trung Quốc làm suy yếu năng lực cạnh tranh của ngành thép Mỹ, cáo buộc sự phát triển của Trung Quốc xâm phạm lợi ích của Mỹ.
Là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 trên thế giới, nhưng kể cả chưa tính đến sự sụt giảm tỷ lệ tham gia lao động do dịch bệnh COVID-19, tình trạng thất nghiệp của công nhân Mỹ còn là kết quả của tiến bộ công nghệ và sự thay thế con người bằng trí tuệ nhân tạo. Sự phát triển của ngành thép Trung Quốc cũng là kết quả của tiến bộ công nghệ, lợi thế cạnh tranh của ngành thép Trung Quốc so với ngành thép Mỹ không thể bị loại bỏ thông qua các biện pháp đàn áp thương mại sau cuộc điều tra theo Điều 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ. Trung Quốc đóng góp hơn 30% vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu hàng năm. Hàng loạt hàng hóa công nghiệp, hàng trung gian và hàng tiêu dùng như thép được sản xuất tại Trung Quốc.
Cần có một cách tiếp cận mới
Quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc cần có hướng đi mới. Đầu tiên, hai bên cần dựa trên nguyên tắc bình đẳng, đối thoại thẳng thắn, quan tâm đến lợi ích của cả hai bên chứ không chỉ là lợi ích và các mối lo ngại của Mỹ. Trước những nỗ lực của Trung Quốc đối với mối quan hệ Mỹ-Trung, thực ra Mỹ biết rõ điều đó và rất mong muốn hợp tác kinh tế-thương mại với Trung Quốc. Nửa đầu năm 2021, bà Katherine Tai và bà Janet Yellen đã chủ động điện đàm với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Bộ trưởng Bộ Thương mại Mỹ Gina Raymond đã điện đàm với Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào.
Nhưng Mỹ đã sử dụng nhiều cách khác nhau để gây áp lực với Trung Quốc nhằm thu được lợi ích lớn hơn. Trong bài phát biểu của mình, bà Katherine Tai vẫn tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các công cụ mình có và phát triển các công cụ mới khi cần thiết để đối phó với Trung Quốc. Không những vậy, Mỹ còn tập hợp các đồng minh nhằm cùng nhau đối phó với Trung Quốc. Tất cả những điều này cho thấy Mỹ sẽ không chấm dứt xung đột thương mại và sẽ tiếp tục đàm phán, gây áp lực lên Trung Quốc trong thời gian tới.
Thứ nhất, về các biện pháp đối phó của riêng Mỹ, Mỹ có thể sử dụng các biện pháp thuế quan mới để bảo vệ Mỹ trước sức ép cạnh tranh của Trung Quốc. Ngoài các công cụ đã sử dụng trước đây, Mỹ có thể nghĩ ra các công cụ thương mại mới để đối phó với Trung Quốc. Tất nhiên, Mỹ vẫn sẽ đưa ra các luận điệu về tác động của Trung Quốc đối với thành công của Mỹ để tạo một cái cớ "chính đáng" cho các công cụ mới của mình.
Thứ hai, Mỹ sẽ tăng cường tập hợp các đồng minh chống lại Trung Quốc thông qua cái gọi là liên minh dân chủ và đối xử với Trung Quốc bằng cái gọi là các giá trị chung. Chính sách đối ngoại thông thường của đảng Dân chủ Mỹ được gọi là chủ nghĩa lý tưởng, sử dụng cái gọi là công cụ giá trị và giá trị dân chủ để tập hợp các đồng minh chống lại Trung Quốc.
Trên cơ sở ban đầu của Mỹ-Nhật Bản-Ấn Độ-Australia, Mỹ Latinh và Liên minh châu Âu cũng sẽ tham gia để kiềm chế Trung Quốc. Giống như hiệp định thương mại mới của Mỹ-Canada-Mexico, các điều khoản sẽ được sử dụng để làm giảm năng lực cạnh tranh của các ngành công nghiệp liên quan của Trung Quốc, bảo vệ lợi ích của các ngành công nghiệp liên quan của họ như ngành sản xuất ôtô ở Mỹ.
Xu hướng thương mại Mỹ-Trung Quốc mới đòi hỏi sự hợp tác thực sự. Vì bà Katherine Tai đã thừa nhận Trung Quốc và Mỹ cần tái “kết nối” với nhau, Mỹ nên cho thấy sự chân thành và khắc phục những xung đột thương mại và đàn áp công nghệ dưới thời Tổng thống Trump. Chỉ khi hai bên bình đẳng thì mới có thể cùng có lợi và cùng thắng, nếu không sẽ chỉ phản tác dụng. Bài phát biểu của Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai cho thấy chính quyền của ông Biden khác chính quyền của ông Trump, bài phát biểu của bà Katherine Tai khác với những tuyên bố thẳng thừng về "lợi ích của Mỹ trên hết" và đối đầu trực diện của chính quyền của ông Trump.
Là chính quyền của đảng Dân chủ, chính sách với Trung Quốc hiện nay sẽ sử dụng vỏ bọc là các giá trị dân chủ, nhưng bản chất vẫn sẽ là bảo vệ lợi ích của Mỹ, chỉ có hình thức sẽ khác với chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại của chính quyền Tổng thống Trump. Khi cạnh tranh liên tục với các công nghệ của Huawei và những xung đột kinh tế, thương mại, công nghệ trở nên khốc liệt hơn, những hành động cực đoan của ông Trump có thể là nhằm ngăn chặn tổn thất. Còn đối với đảng Dân chủ vốn bảo vệ tự do thương mại, xu hướng của chính quyền Tổng thống Biden có thể là giảm thuế quan.
Cùng với thời gian và sự tiến bộ, đổi mới công nghệ, cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Biden có thể cũng sẽ trở nên hợp lý hơn. Đại diện thương mại Mỹ Katherine Tai thừa nhận rằng Trung Quốc và Mỹ không thể tách rời, đó là sự thừa nhận nhận khách quan trước thực tế Trung Quốc và Mỹ có mối quan hệ hợp tác kinh tế-thương mại chặt chẽ. Do đó, có lý do để hy vọng quan hệ kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc sẽ được cải thiện hơn nữa trên cơ sở hợp lý.
Khi Trung Quốc vững bước trên con đường cải cách, mở cửa và ủng hộ chủ nghĩa đa phương, chỉ bằng cách quan tâm đến các lợi ích cốt lõi Trung Quốc và Mỹ, đến các lợi ích thiết yếu của người dân Trung Quốc và Mỹ, hai bên mới có thể cùng có lợi và cùng thắng. Là hai nền kinh tế chính trên thế giới, Trung Quốc và Mỹ nên dũng cảm đổi mới và có trách nhiệm thúc đẩy kinh tế-thương mại Mỹ-Trung Quốc cũng như nền kinh tế thế giới đến một tương lai tốt đẹp hơn./.