Giảng viên sư phạm phải sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành quy định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm với 5 tiêu chuẩn và 18 tiêu chí, áp dụng với giảng viên các trường đại học, cao đẳng sư phạm.
Giảng viên sư phạm phải sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy ảnh 1(Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành quy định Chuẩn nghề nghiệp giảng viên sư phạm.

Theo đó, giảng viên sư phạm sẽ phải đáp ứng được 5 tiêu chuẩn với 18 tiêu chí.

Các tiêu chuẩn gồm yêu cầu về phẩm chất nghề nghiệp; năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực phát triển quan hệ xã hội; xây dựng môi trường giáo dục dân chủ.

Trong 18 tiêu chí có các tiêu chí quan trọng như giảng viên phải sử dụng được ngoại ngữ và công nghệ thông tin trong giảng dạy; phải công bố kết quả nghiên cứu khoa học và xuất bản học liệu phục vụ đào tạo; tạo dựng môi trường học tập thân thiện, khuyến khích sự sáng tạo…

Quy định này áp dụng đối với giảng viên các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, việc quy định chuẩn nghề nghiệp giảng viên nhằm giúp giảng viên tự đánh giá được năng lực nghề nghiệp bản thân từ đó xây dựng kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng, phát triển.

Chuẩn sẽ là một trong những công cụ để cơ sở đào tạo giáo viên đánh giá được năng lực nghề nghiệp giảng viên, từ đó xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp cho giảng viên và xây dựng chính sách tuyển dụng, sử dụng giảng viên.

Bộ tiêu chuẩn, tiêu chí này cũng là một trong những khung tham chiếu để cơ quan có thẩm quyền đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở đào tạo giáo viên và tham khảo trong xây dựng chế độ, chính sách phát triển nguồn nhân lực, góp phần chuẩn hóa đội ngũ giảng viên. 

Cụ thể các tiêu chuẩn, tiêu chí như sau:

Tiêu chuẩn 1: Phẩm chất nghề nghiệp

Giảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, được đồng nghiệp, người học và cộng đồng tin cậy, yêu mến, kính trọng.

1. Tiêu chí 1. Phẩm chất chính trị: Gương mẫu thực hiện và tích cực tuyên truyền, vận động đồng nghiệp và người học chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

2. Tiêu chí 2. Phẩm chất đạo đức: Yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm với nghề nghiệp, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo.

3. Tiêu chí 3. Lối sống: Lối sống lành mạnh, văn minh, tác phong làm việc khoa học, nghiêm túc, chuẩn mực trong quan hệ với đồng nghiệp và người học.

Tiêu chuẩn 2: Năng lực chuyên môn, nghiệp vụ 

Giảng viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng; thường xuyên tự bồi dưỡng phát triển chuyên môn, nghiệp vụ; sử dụng được ngoại ngữ và ứng dụng được công nghệ thông tin trong hoạt động nghề nghiệp.

1. Tiêu chí 4. Trình độ chuyên môn: đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định.

2. Tiêu chí 5. Nghiệp vụ sư phạm: Có kiến thức và kỹ năng về nghiệp vụ sư phạm; hỗ trợ đồng nghiệp và người học phát triển nghề nghiệp.

3. Tiêu chí 6. Ngoại ngữ: Sử dụng được ngoại ngữ trong giảng dạy và nghiên cứu; đạt trình độ ngoại ngữ theo quy định.

4. Tiêu chí 7. Ứng dụng công nghệ thông tin: Ứng dụng được công nghệ thông tin và truyền thông trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

5. Tiêu chí 8. Thiết kế và tổ chức dạy học: Vận dụng được các phương pháp và kĩ thuật trong thiết kế và tổ chức dạy học.

[Tuyển sinh sư phạm: Đặt chuẩn cao nhưng liệu có người leo?]

6. Tiêu chí 9. Đánh giá kết quả dạy học: Thiết kế, sử dụng được các công cụ đánh giá và sử dụng kết quả đánh giá để phát triển chương trình đào tạo, điều chỉnh hoạt động dạy học.

7. Tiêu chí 10. Phát triển chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục: Tham gia phát triển chương trình đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông và chương trình đào tạo nghề.

8. Tiêu chí 11. Tư vấn, hỗ trợ người học: Am hiểu người học, tư vấn, hướng dẫn người học trong quá trình đào tạo và sau khi tốt nghiệp.

Tiêu chuẩn 3: Năng lực nghiên cứu khoa học

Giảng viên thực hiện thành công đề tài, dự án và hướng dẫn nghiên cứu khoa học; chuyển giao kết quả nghiên cứu trong đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; đăng tải được các kết quả nghiên cứu, xuất bản được nguồn học liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng.

1. Tiêu chí 12. Thực hiện đề tài, dự án: Thực hiện thành công các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

2. Tiêu chí 13. Công bố kết quả nghiên cứu và xuất bản học liệu: Công bố kết quả nghiên cứu và xuất bản học liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

3. Tiêu chí 14. Hướng dẫn nghiên cứu khoa học: Hướng dẫn người học, đồng nghiệp thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học.

Tiêu chuẩn 4: Xây dựng môi trường giáo dục dân chủ

Giảng viên tích cực thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tham gia tạo dựng môi trường học tập, nghiên cứu dân chủ.

1. Tiêu chí 15. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ cơ sở: Thực hiện đúng vai trò được biết, được bàn, được làm, được kiểm tra của giảng viên trong hoạt động của nhà trường.

2. Tiêu chí 16. Phát triển môi trường học tập và nghiên cứu dân chủ: Tạo dựng được môi trường học tập và nghiên cứu thân thiện, bình đẳng, hợp tác, khuyến khích sự sáng tạo.

Tiêu chuẩn 5: Năng lực phát triển quan hệ xã hộ

Giảng viên tích cực phát triển quan hệ xã hội với các bên liên quan thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, phát triển nhà trường, và đổi mới giáo dục phổ thông.

1. Tiêu chí 17. Phát triển quan hệ với các tổ chức xã hội và cơ sở đào tạo nghề, cơ sở giáo dục phổ thông: Phát triển quan hệ với các tổ chức xã hội, giáo viên và người học, thúc đẩy hoạt động đào tạo, đổi mới giáo dục phổ thông và đào tạo nghề.

2. Tiêu chí 18. Phát triển quan hệ với cộng đồng nghề nghiệp: Phát triển quan hệ với giới khoa học chuyên ngành, hiệp hội, tổ chức nghề nghiệp.

Dự thảo cũng quy định về cách đánh giá, xếp loại giảng viên. 

Theo đó, mỗi giảng viên được đánh giá theo từng tiêu chí và xếp loại chung. Mỗi tiêu chí được đánh giá theo 3 mức là đạt, khá và tốt.

Căn cứ kết quả đánh giá theo từng tiêu chí, xếp bậc năng lực chung đối với giảng viên theo ba mức. 

Mức tốt: Có tất cả tiêu chí đạt mức khá trở lên và tối thiểu 12 tiêu chí đạt mức tốt, trong đó có ít nhất 5 tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 và 2 tiêu chí của Tiêu chuẩn 3 phải đạt mức tốt.

Mức khá: Có tất cả các tiêu chí đạt mức đạt trở lên và tối thiểu 12 tiêu chí đạt mức khá trở lên, trong đó có ít nhất 5 tiêu chí của Tiêu chuẩn 2 và 2 tiêu chí của Tiêu chuẩn 3 phải đạt mức khá trở lên.

Mức đạt: Toàn bộ các tiêu chí ở mức đạt trở lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục