Giao lưu giữa thế hệ trẻ với 400 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, qua đó phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị để chăm lo gia đình người có công với đất nước.
Giao lưu giữa thế hệ trẻ với thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. (Nguồn: qdnd.vn)

“Tự hào truyền thống, tiếp bước cha anh” là chương trình gặp mặt, giao lưu giữa thế hệ trẻ với 400 thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 24/7 tại Hà Nội.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội Trung ương Nguyễn Ngọc Lương khẳng định phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành nét đẹp trong đời sống văn hóa của dân tộc, qua đó phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị để chăm lo gia đình người có công với đất nước.

Trong thời gian qua, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hoạt động đền ơn đáp nghĩa với nhiều công trình, phần việc thiết thực, ý nghĩa như xây dựng, tu sửa nhà tình nghĩa; khám chữa bệnh, phát thuốc miễn phí, tặng quà cho các gia đình thương binh, gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng; tổ chức các hoạt động về nguồn, sinh hoạt truyền thống; chỉnh trang, tu sửa các đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ, tổ chức lễ thắp nến tri ân đồng loạt trên toàn quốc...

[Chủ tịch Quốc hội gặp mặt các thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc]

“Trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác đền ơn đáp nghĩa với các hoạt động thiết thực, góp phần cùng toàn xã hội chăm sóc, tri ân những người có công với cách mạng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục lý tưởng, truyền thống, lịch sử cách mạng của dân tộc cho thanh thiếu nhi,” Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Ngọc Lương cho biết.

Tại buổi gặp mặt, ông Phạm Xuân Lai, thương binh 1/4 đã chia sẻ những kỷ niệm về trận đánh ác liệt những năm 1968. Ông bị thương nặng khi tham gia Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam năm 1975. Hiện, ông đang sinh sống tại thị trấn Tân Kỳ, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An và thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, góp phần xây dựng khu dân cư trong sạch, vững mạnh.

Ông Đào Viết Thoàn sinh năm 1959, nhập ngũ năm 1976, tham gia chiến đấu tại chiến trường biên giới và bị thương nặng năm 1979; là thương binh 1/4. Sau thời gian chữa bệnh trở về địa phương, ông mở cơ sở chữa bỏng và chữa trị miễn phí cho hàng chục nghìn người trong suốt 30 năm qua tại huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Nhiều thương binh nặng tiêu biểu khác cũng giao lưu, chia sẻ với thế hệ trẻ những thời khắc không quên trong cuộc kháng chiến cứu nước mà họ đã trải qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục