Trong khuôn viên mảnh sân nhỏ rợp bóng cây, giáo sư, viện sĩ Đặng Hữu kể cho tôi nghe về những ngày đất nước còn gian khó, về kỷ niệm không bao giờ phai mờ với ngày Quốc khánh 2/9/1945 - đánh dấu bước ngoặt vô cùng trọng đại của dân tộc. Đã ở cái tuổi 85, vị giáo sư già đáng kính vẫn miệt mài công việc với bộn bề trăn trở về sự phát triển khoa học và công nghệ, kinh tế nước nhà.
- Thưa giáo sư Đặng Hữu, xin ông chia sẻ những kỷ niệm về ngày Quốc khánh đầu tiên của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng?
Giáo sư, viện sỹ Đặng Hữu: Lúc bấy giờ ở trong Khu 5 [giáo sư Đặng Hữu sinh ra tại Bình Định-pv], không khí những ngày Cách mạng tháng Tám rất hồ hởi. Người dân nô nức kéo cờ, vẽ ảnh Bác Hồ.
Lúc đó tôi còn là học sinh và cũng tham gia vào việc đi biểu tình, vận động đồng bào tham gia cách mạng, chống mù chữ… Mơ ước của tôi khi ấy là từ đây Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập, văn minh như các cường quốc trên thế giới.
Sau này đi ra Bắc học, tôi nghe các bác, các chú nói chuyện thời sự quốc tế, về việc các nước xã hội chủ nghĩa sẽ giàu có. Mà, mình muốn giúp được đất nước thì phải lo học cho thật tốt, học trên sách vở, học từ thực tiễn.
Mỗi năm, tới ngày Quốc khánh, tôi lại nghĩ lại xem đã có thêm được những gì, cái gì chưa làm được. Tất cả những động cơ ấy thúc giục tôi trong suốt những năm học tập rồi sau này ra làm việc đều đem hết sức mình ra phục vụ.
Tôi nhớ nhất là ngày Quốc khánh năm 1975. Khi đó, tôi về tiếp quản và làm Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Bà con trong Nam sống dưới chính quyền Sài Gòn nhưng rất có tinh thần cách mạng. Tinh thần hòa hợp phấn khởi lắm!
- Là người theo sát khoa học công nghệ trong suốt chặng đường dài của đất nước, giáo sư trăn trở gì với sự phát triển của ngành?
Giáo sư, viện sỹ Đặng Hữu: Tôi nghĩ rằng người Việt Nam chúng ta rất thông minh và có tiềm năng. Trong suốt thời gian làm công tác giảng dạy cũng như quản lý, tôi thấy tuy người Việt Nam ít được đào tạo tốt trong thời chiến nhưng khi tiếp xúc với tri thức nước ngoài thì học rất nhanh.
Trong kháng chiến, chúng ta có một số công trình khoa học không hề thua kém so với các nước ASEAN còn vào những năm 1970, 1980, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, khoa học cơ bản của Việt Nam hơn hẳn.
Nhưng có điều, mô hình kinh tế của chúng ta chưa thuận lợi cho ứng dụng khoa học. Nhiều giống mới chúng ta nghiên cứu ra như phong lan, khoai tây, lúa… rồi chỉ đi hô hào nông dân làm thế này thế kia, nhưng làm ra không có thị trường lại bỏ đấy.
Trong khi đó, ví dụ như ở Thái Lan, nghiên cứu xong thì có doanh nghiệp làm. Doanh nghiệp ký kết và hướng dẫn nông dân trồng theo kỹ thuật của họ… rồi mua lại sản phẩm, làm thành dây chuyền sản xuất theo cơ chế thị trường nên phát triển rất nhanh.
- Vậy để đưa khoa học và công nghệ thực sự trở thành quốc sách, để Việt Nam thành quốc gia mạnh về khoa học, chúng ta phải làm gì, thưa giáo sư?
Giáo sư, viện sỹ Đặng Hữu: Từ trước tới nay, Đảng và Nhà nước đều có chủ trương đúng đắn về phát triển khoa học. Khi mới giải phóng chúng ta đã nói, cách mạng kỹ thuật là then chốt trong 3 cuộc cách mạng, khoa học giáo dục là quốc sách hàng đầu…
Bộ Khoa học và Công nghệ ở các thời kỳ đều quan tâm xây dựng chính sách, có nhiều chủ trương đúng, quan tâm tới sản xuất nhưng không được. Bởi lẽ người ta không quan tâm tới chất lượng mà chỉ quan tâm tới khối lượng nên cần gì làm khoa học…
Tất cả mọi thứ đều xuất phát từ thể chế kinh tế. Cần phải phát huy mọi sáng tạo, gắn kết doanh nhân với khoa học; cần thay đổi hệ thống kinh tế để thu hút sự sáng tạo, tạo điều kiện để khoa học và công nghệ phát triển.
- Giáo sư nghĩ gì khi rất nhiều nhà khoa học giỏi của Việt Nam không làm việc tại các cơ sở nghiên cứu trong nước?
Giáo sư, viện sỹ Đặng Hữu: Đây là điều day dứt nhất của tất cả các nhà khoa học. Việt Nam không thiếu nhân tài, những lớp trẻ như Ngô Bảo Châu, Lưu Lệ Hằng và rất nhiều người làm việc tại thung lũng Silicon, NASA…
Ở trong nước cũng có những nhà khoa học rất giỏi, nhưng không nhiều.
- Vậy làm thế nào để kéo người tài về nước, thưa giáo sư?
Giáo sư, viện sỹ Đặng Hữu: Vấn đề ở đây là phải thay đổi toàn bộ hệ thống, phải thực sự dựa vào khoa học, làm đúng phương châm đề ra từ đầu: khoa học là sự động lực phát triển.
Để thu hút nhân tài, chúng ta phải tạo môi trường phát triển sản xuất, tạo điều kiện cho các nhà khoa học làm việc và có chính sách lương bổng, đãi ngộ rõ ràng…
- Xin cảm ơn giáo sư!
Giáo sư, viện sỹ Đặng Hữu (sinh năm 1930) tại Bình Định và là người có ảnh hưởng lớn đến khoa học và công nghệ, công nghệ thông tin tại Việt Nam.
Trong quá trình làm việc, giáo sư, viện sỹ Đặng Hữu từng đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng như Hiệu trưởng Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước; Bộ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ; Trưởng ban Khoa giáo Trung ương; Trưởng ban chỉ đạo chương trình quốc gia về công nghệ thông tin; Ủy viên Trung Ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII; Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X...