Giáo sư Thayer: ASEAN cần bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông

Giải quyết thách thức an ninh chung trên Biển Đông là chủ đề chính trong phiên thảo luận ngày 4/6 của Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: Kim Dung-Chí Giáp/Vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị về an ninh khu vực tổ chức ở Malaysia, giáo sư Carl Thaye thuộc Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng ASEAN cần bày tỏ quan ngại sâu sắc về diễn biến tình hình trên Biển Đông thời gian qua, sau khi nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 (Haiyang Shiyou 981) ở Biển Đông.

Tăng cường nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN và các biện pháp cần thiết để vững bước sau khi được thành lập năm 2015, và giải quyết thách thức an ninh chung trên Biển Đông là những chủ đề chính trong phiên thảo luận ngày 4/6 của các đại biểu tham dự Hội nghị bàn tròn châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 28 tại Kuala Lumpur, Malaysia.

Tại phiên họp về ASEAN, diễn giả Ong Keng Ong, Cao ủy Singapore tại Malaysia và là cựu Tổng Thư ký ASEAN, cho rằng tầm nhìn chiến lược quan trọng cho Cộng đồng ASEAN là xây dựng một khu vực kết nối, bền vững và có tính cạnh tranh hơn, hòa bình và thịnh vượng.

Ông Ong Keng Ong kêu gọi các nước ASEAN phải có ý chí chính trị đầy đủ để đảm bảo tiến độ đạt được các mục tiêu năm 2015, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên, tăng cường kết nối giữa các nước trong khối và giữa các nước trong và ngoài ASEAN, đẩy mạnh hợp tác văn hóa, tăng cường trao đổi và giao lưu nhân dân và nâng cao nhận thức của người dân về ASEAN.

Tại phiên họp về giải quyết các thách thức an ninh chung trên Biển Đông, các diễn giả đã đề cập đến vấn đề xây dựng cơ chế trên biển để thúc đẩy các nỗ lực phối hợp trong giải quyết tội phạm xuyên quốc gia như cướp biển, buôn bán người, buôn lậu, các mối đe dọa môi trường biển như đánh bắt cạn kiệt, sự cố tràn dầu, tác động của con người lên môi trường biển...

Các cơ chế đảm bảo an toàn hàng hải và hợp tác trong tìm kiếm cứu nạn trong khu vực Biển Đông cũng được các đại biểu sôi nổi thảo luận.

Diễn giả Vijay Sakhuja, Giám đốc Hội đồng Các vấn đề Thế giới của Ấn Độ (ICWA), nhấn mạnh sự cần thiết thúc đẩy hợp tác và phối hợp trong khu vực nhằm đảm bảo an toàn-an ninh hàng hải và bảo vệ môi trường, cũng như việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý toàn diện cho các hoạt động tìm kiếm cứu nạn trong khu vực thông qua sự hợp tác của các quốc gia ven Biển Đông.

Trong khi đó, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Biển Đông tại Học viện Quốc phòng Australia, cho rằng để giải quyết các thách thức an ninh trên Biển Đông, các nước ASEAN cần thiết lập một Hội đồng an ninh-chính trị hiệu quả, các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN cần chủ động hơn nữa trong việc đưa ra các ưu tiên cho các cơ quan cấp dưới, tăng cường hơn nữa vai trò của diễn đàn hàng hải ASEAN mở rộng, duy trì hiệu quả Hội nghị người đứng đầu các lực lượng bảo vệ bờ biển và nhanh chóng phát triển hợp tác đa phương thiết thực để giải quyết thách thức an ninh hàng hải, đồng thời tiếp tục theo đuổi cùng Trung Quốc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Trao đổi với phóng viên bên lề hội nghị về các biện pháp ASEAN thực hiện để duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, giáo sư Thayer cho rằng, thông qua kênh ngoại giao các nhà lãnh đạo ASEAN nên bày tỏ những quan ngại sâu sắc về diễn biến tình hình trên Biển Đông thời gian qua, đề nghị Trung Quốc đàm phán, đối thoại, đồng thời tất cả các bên liên quan phải duy trì hiện trạng, các bên nên kiềm chế, duy trì những nguyên tắc cơ bản không đe dọa và sử dụng vũ lực, và tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS) 1982./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục