Ngày 16/9, tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan, đi sâu đánh giá tình hình triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nội dung liên quan trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Trên cơ sở phân tích sâu sắc, toàn diện tình hình quốc tế, khu vực và Biển Đông cũng như nhu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ban, ngành và địa phương liên quan cần tiếp tục bám sát đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thời gian tới, trong đó có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết 36 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 44/NQ-CP của Chính phủ về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chủ động, tích cực, triển khai có hiệu quả các mặt công tác, đạt kết quả mới quan trọng, thực chất hơn nữa trên mọi phương diện.
Theo đó, các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan cần huy động nguồn lực, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, nâng cao hơn nữa năng lực thực thi và bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên biển; kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tăng cường hợp tác quốc tế về biển phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Cùng với đó, các bên liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư và Chỉ thị 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ở vùng biển nước ngoài, sớm gỡ bỏ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).
Đồng thời làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức, đồng thuận trong toàn xã hội và cả hệ thống chính trị về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác Biển Đông - hải đảo, tích cực góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển trên biển./.
Việt Nam nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông
Việc nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông sẽ không ảnh hưởng tới công tác phân định biển giữa Việt Nam và các nước ven biển liên quan trên cơ sở UNCLOS.