Giao trường chọn sách giáo khoa: Phù hợp thực tiễn, hạn chế tiêu cực

Theo các nhà giáo dục, việc giao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường sẽ sát với thực tế đồng thời giảm thiểu các nguy cơ tiêu cực, lợi ích nhóm.
Giao trường chọn sách giáo khoa: Phù hợp thực tiễn, hạn chế tiêu cực ảnh 1Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến giao việc chọn sách giáo khoa sẽ được giao cho các nhà trường. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự thảo thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc trao quyền chọn sách cho các nhà trường thay vì ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố như hiện nay đang nhận được sự ủng hộ từ nhiều phía, cả các chuyên gia, các giáo viên, lãnh đạo các trường và các nhà quản lý giáo dục.

Phù hợp với yêu cầu thực tiễn, hạn chế các tiêu cực là nhận định chung, tuy nhiên các chuyên gia, nhà giáo cũng bày tỏ lo ngại về sự thực chất trong triển khai.

Đúng và trúng

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở-Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh (Hà Nội) nhận định dự thảo thông tư mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo với quy định trao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường là sự tiếp thu, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, từ đội ngũ nhà giáo.

Từ góc nhìn thực tiễn với kinh nghiệm hàng chục năm làm quản lý cơ sở giáo dục, thầy Bình khẳng định việc giao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường là phù hợp vì mỗi trường có điều kiện về cơ sở vật chất, trình độ giáo viên, năng lực học sinh khác nhau. Giáo viên, nhà trường phải căn cứ trên các điều kiện thực tiễn đó để chọn bộ sách phù hợp.

[Bộ GD-ĐT sẽ trao quyền chọn sách giáo khoa cho các nhà trường?]

Bên cạnh đó, việc trao quyền tự quyết cho các nhà trường cũng giúp nâng cao năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở đao tạo, cho các giáo viên.

“Điều này cũng phù hợp với xu hướng quốc tế bởi người giáo viên tùy theo học sinh và năng lực bản thân thạm chí có thể sử dụng không chỉ một mà nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, các học liệu ngoài sách giáo khoa để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu chất lượng đầu ra, từ đó kích thích sự năng động, sáng tạo của nhà giáo,” thầy Bình nhận định.

Giao trường chọn sách giáo khoa: Phù hợp thực tiễn, hạn chế tiêu cực ảnh 2Học sinh học sách giáo khoa theo chương trình mới. (Ảnh: PM/Vietnam+)

Đây cũng là chia sẻ của ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tỉnh Nghệ An. “Có thể nói dự thảo thông tư đã đi rất đúng, trúng, phù hợp với tâm tư và mong muốn của đội ngũ giáo viên, nhà trường. Việc giao cho nhà trường, giáo viên chọn bộ sách nào để làm học liệu trong quá trình dạy là đúng bởi chính họ mới biết bộ sách nào phù hợp với học sinh của mình, với điều kiện địa phương, năng lực năng giáo viên và điều kiện triển khai ở trường. Với tư cách quản lý giáo dục địa phương, tôi rất hoan nghênh quan điểm này và thông tư dự thảo,” ông Thái Văn Thành nói.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng việc giao quyền chọn sách cho ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố là chưa phù hợp vì cùng một tỉnh nhưng điều kiện về cơ sở vật chất, nặng lực, trình độ của học sinh và giáo viên là khác nhau giữa khu vực miền núi, nông thôn và thành phố. Thậm chí trong cùng một thành phố cũng vẫn có những trường chất lượng tốt hơn, trường chất lượng chưa tốt bằng. Vì vậy, để các trường tự lựa chọn sách giáo khoa cho mình là phù hợp vì trường sẽ hiểu rõ học sinh và giáo viên của trường mình để lựa chọn bộ sách phù hợp nhất.

Giảm thiểu tiêu cực

Bên cạnh việc các trường sẽ chọn sách giáo khoa sát với yêu cầu thực tiễn của cơ sở, bà Nga cho rằng việc giao quyền chọn sách cho các trường còn tránh được lợi ích nhóm nếu có.

Phân tích cụ thể hơn, bà Nga cho biết hiện có nhiều bộ sách giáo khoa nên giữa các đơn vị xuất bản đương nhiên phải có sự cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng nhưng cần lường trước tình huống không cạnh tranh bằng giá cả và chất lượng mà bằng các hình thức khác.

Giao trường chọn sách giáo khoa: Phù hợp thực tiễn, hạn chế tiêu cực ảnh 3Mỗi giáo viên, mỗi nhà trường sẽ hiểu được đối tượng học sinh, năng lực bản thân để chọn được sách giáo khoa phù hợp. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nếu giao quyền cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh thực hiện chọn sách giáo khoa thì cả nước chỉ có hơn 60 hội đồng chọn sách. Giả sử có lợi ích nhóm trong chọn sách giáo khoa thì thực hiện rất dễ nhưng nếu trao quyền cho cho các cơ sở giáo thì không một tổ chức cá nhân nào có thể tác động được đến quyết định chọn sách của tất cả trường. Theo đó sẽ tránh được nguy cơ lạm dụng việc chọn sách để trục lợi cá nhân. Vì vậy, tôi cho rằng quy định giao các trường chọn sách là hợp lý và tháo gỡ được nhiều bất cập,” bà Nga nói.

Cùng đề cập đến vấn đề này, ông Thái Văn Thành cho rằng dự thảo thông tư mới khắc phục những bất cập trong chọn sách mà lâu nay dư luận nói đến một cách hiệu quả. “Việc cho các trường được chọn sách giáo khoa cũng chính là cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chọn sách và giảm sự tác động của đội ngũ quản lý đến việc chọn sách,” ông Thành chia sẻ.

Cần thực sự đi vào thực tiễn

Ủng hộ quan điểm của của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong dự thảo thông tư mới về chọn sách giáo khoa khi hội đồng chọn sách do các trường thành lập nhưng một số ý kiến vẫn lo ngại về tính thực chất khi đi triển khai trên thực tiễn.

Cô H.T., một giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh thẳng thắn cho hay trong quy định hiện hành về chọn sách giáo khoa, dù Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố lập hội đồng nhưng theo quy trình, vẫn là lấy ý kiến từ cơ sở, từ giáo viên.

“Quy trình là các giáo viên có ý kiến đến tổ chuyên môn, đến trường, trường báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo trình Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố lập hội đồng phê duyệt. Tuy nhiên, trên thực tế, tiếng nói cơ sở chỉ có tính tượng trưng. Vì vậy, tôi e ngại khi triển khai thông tư mới, chỉ cần cấp trên có chỉ đạo xuống với nhiều phương thức phi chính thống khác nhau, thì việc chọn sách giáo khoa ở các trường vẫn chỉ là hình thức,” cô T. lo ngại.

Theo cô T., để việc chọn sách được thực chất hơn thì thành phần hội đồng chọn sách cần mở rộng với sự tham gia của nhiều giáo viên hơn. Bên cạnh đó cũng cần sự nhiệt huyết, trách nhiệm của chính các giáo viên cũng như đội ngũ ban giám hiệu nhà trường.

“Lâu nay giáo viên, nhà trường vẫn chưa được trao quyền chọn sách một cách thực sự nên họ sẽ có tâm lý thiếu tin tưởng, thiếu nhiệt tình, ngại trách nhiệm vì đi đôi với quyền chọn sách là trách nhiệm với sựa lựa chọn đó,” cô T. phân tích.

Đây cũng là vấn đề được thầy Nguyễn Quốc Bình chỉ ra. Theo thầy Bình, giáo viên đã quen với sự thụ động, thực hiện theo quyết định của cấp trên. “Làm sao để từng giáo viên, thành viên trong hội đồng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chọn sách phù hợp với thực tiễn nhà trường, không làm qua loa đại khái. Ở đây, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục rất nặng nề, phải làm sao thực sự vì chất lượng giáo dục,” thầy Bình nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục