Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trên cả nước sẽ học theo sách giáo khoa mới và có tới 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 khác nhau. Lần đầu tiên dạy theo sách mới, chương trình mới, nội dung mới, phương pháp mới nên các giáo viên không khỏi lo lắng khi chỉ còn vài tháng nữa là năm học mới sẽ bắt đầu nhưng họ vẫn chưa được tập huấn sách giáo khoa.
Mong sớm được tập huấn
Gần 30 năm trong nghề, trải qua nhiều lần cải cách chương trình và thay sách giáo khoa nhưng đây là lần đầu tiên cô Lương Thị Thuý Hoài, Trường Tiểu học Đồng Minh (Hải Phòng) được trực tiếp chọn ra bộ sách phù hợp nhất cho học sinh trường mình. Cô cho biết, việc được quyền chọn sách giúp giáo viên tìm hiểu kỹ hơn về chương trình mới, về ưu và nhược điểm của từng bộ sách, chủ động trong việc chọn sách phù hợp với đặc thù địa phương, với điều kiện dạy và học của giáo viên, học sinh.
Tuy nhiên, gần 30 năm trong nghề với phương thức giảng dạy truyền thụ kiến thức một chiều truyền thống cũng là một thách thức với những giáo viên có thâm niên như cô Hoài để có thể đổi sang phương pháp giáo dục mới là hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho người học. Ủng hộ cái mới, đặt sự đổi mới làm tiêu chí chọn sách, nhưng theo cô Hoài, giáo viên không thể một sớm một chiều có thể thay đổi từ nề nếp dạy học hàng chục năm. “Vì thế, điều tôi lo lắng nhất là cách thức tổ chức và phương pháp dạy, đến giờ tôi vẫn chưa được tiếp cận. Đã chốt được bộ sách, giờ tôi rất nóng lòng chờ được tập huấn sách giáo khoa,” cô Hoài chia sẻ.
[Đại biểu Quốc hội: Không cần thiết biên soạn thêm 1 bộ sách giáo khoa]
Không chỉ riêng cô Hoài, mong muốn được tập huấn trực tiếp để nắm rõ được tinh thần của bộ sách mới đang là mong mỏi của tất cả giáo viên.
Cô giáo Đỗ Thị Hoà, Trường Tiểu học Marie Curie (Hà Nội) cho biết: “Nguyện vọng của giáo viên muốn được tập huấn kỹ hơn về sách, có thể gặp được trực tiếp tác giả để hiểu hơn về nội dung cũng như phương pháp và ý tưởng của tác giả."
Cùng chung trăn trở này, cô Nguyễn Thị Kim Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (Hà Nội) cho biết, theo kế hoạch, giáo viên và học sinh sẽ được học trải nghiệm sách mới trước khoảng 3 đến 6 tháng. “Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc dạy thử nghiệm của giáo viên sẽ gặp khó khăn. Chúng tôi hy vọng các nhà xuất bản sẽ triển khai sớm các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cung ứng sách để trường triển khai sớm, kịp thời cho năm học tới,” cô Giang chia sẻ.
Phải hoàn thành trước 30/7
Trước băn khoăn của các giáo viên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã yêu cầu các nhà xuất bản có sách lớp 1 được phê duyệt phối hợp với các sở giáo dục và đào tạo sớm triển khai tập huấn sách giáo khoa.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Giám đốc Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam, đơn vị sở hữu tới 4 trên tổng số 5 bộ sách lớp 1 mới, đơn vị này sẽ tập huấn giáo viên theo cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Hình thức trực tiếp sẽ do các chủ biên, tổng chủ biên sách đứng lớp. Hình thức trực tuyến sẽ cho phép số lượng lớn giáo viên tham gia.
Để thúc đẩy quá trình này, mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các nhà xuất bản, các sở giáo dục và đào tạo,yêu cầu xây dựng kế hoạch tập huấn sử dụng sách giáo khoa cho 100% giáo viên dạy học lớp 1 năm học 2020-2021 và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục.
Các cở có trách nhiệm điều động và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên, cán bộ quản lý tham gia tập huấn.
Các nhà xuất bản có sách giáo khoa được phê duyệt có trách nhiệm chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng để triển khai bồi dưỡng. Các đơn vị này đồng thời biên soạn bộ học liệu điện tử gồm: sách giáo khoa được lựa chọn, tài liệu hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa, các bài dạy mẫu, học liệu bổ trợ liên quan khi sử dụng sách giáo khoa… Tài liệu sẽ được sử dụng lâu dài trong tổ chức bồi dưỡng thường xuyên qua mạng internet cho giáo viên.
Thời gian bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục về sử dụng sách giáo khoa lớp 1 phải được hoàn thành trước 30/7. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ giám sát việc thực hiện kế hoạch này của địa phương, nhà xuất bản./.