Gilead và Mer hợp tác phát triển liệu pháp mới điều trị HIV

Các công ty hy vọng liệu pháp mới sẽ cho phép các bệnh nhân HIV ít phải dùng thuốc thường xuyên hơn so với những phương pháp điều trị dùng thuốc một lần/ngày như hiện nay.
Gilead và Mer hợp tác phát triển liệu pháp mới điều trị HIV ảnh 1Gilead và Mer hợp tác phát triển thuốc điều trị HIV có tác dụng lâu dài. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 15/3, hai công ty dược phẩm của Mỹ là Gilead và Merck thông báo đã bắt đầu hợp tác cùng phát triển một liệu pháp mới điều trị HIV, cho phép thay thế các loại thuốc điều trị hằng ngày bằng một phương pháp điều trị có thời gian giãn cách giữa các lần dùng thuốc lâu hơn.

Trong một tuyên bố, Gilead và Merck cho biết họ hướng đến kết hợp hai loại thuốc hiện có của hai công ty này nhằm "cung cấp các lựa chọn điều trị mới và có ý nghĩa cho những người đang phải sống chung với HIV," virus gây bệnh AIDS.

Các công ty hy vọng liệu pháp mới sẽ cho phép các bệnh nhân ít phải dùng thuốc thường xuyên hơn so với những phương pháp điều trị dùng thuốc một lần/ngày như hiện nay. Những thử nghiệm lâm sàng đầu tiên của phương pháp điều trị mới ở dạng thuốc uống dự kiến bắt đầu được tiến hành trong nửa cuối năm 2021.

[Dịch COVID-19 có nguy cơ làm gia tăng số ca nhiễm HIV/AIDS]

Theo thỏa thuận, Gilead và Merck sẽ lần lượt chi trả 60% và 40% chi phí phát triển và thương mại hóa. Cả hai công ty ban đầu sẽ chia sẻ bình đẳng lợi nhuận từ liệu pháp mới nếu phương pháp điều trị này được cấp phép.

Nếu doanh thu đạt trên 2 tỷ USD/năm từ phương pháp điều trị bằng thuốc uống hoặc 3,5 tỷ USD từ thuốc tiêm, Gilead sẽ nhận được 65% lợi nhuận từ doanh số vượt ngưỡng.

Công ty Merck đã phát triển Islatravir, loại thuốc dùng 1 lần mỗi tháng, đang được đánh giá như một phương pháp điều trị HIV kết hợp với các loại thuốc kháng virus retro khác được dùng 1 lần/ngày.

Islatravir cũng đang được đánh giá là một biện pháp phòng ngừa nhiễm HIV nếu dùng hằng tháng.
Trong khi đó, Gilead đang tiếp tục phát triển Lenacapavir, hiện là đối tượng của một số cuộc thử nghiệm lâm sàng mà một trong số đó là phương pháp tiêm dưới da 6 tháng/lần để điều trị và phòng ngừa HIV.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tính đến hết năm 2019, toàn thế giới có khoảng 38 triệu người đang phải sống chung với virus HIV./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục