Giới chức Đức chỉ trích kế hoạch cải cách EU của ông Macron

Các chính trị gia Đức đã lên tiếng phản đối kế hoạch cải cách của Tổng thống đắc cử Pháp Emmanel Macron với ý tưởng về các tiêu chuẩn xã hội và khoản nợ chung của EU.
Giới chức Đức chỉ trích kế hoạch cải cách EU của ông Macron ảnh 1Ông Emmanuel Macron. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 9/5, các chính trị gia Đức đã lên tiếng phản đối kế hoạch cải cách của Tổng thống đắc cử Pháp Emmanuel Macron với ý tưởng về các tiêu chuẩn xã hội và khoản nợ chung của Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống đắc cử Pháp muốn giảm nhẹ luật lao động, đồng thời muốn bổ nhiệm một Bộ trưởng Tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), xây dựng ngân sách chung của Eurozone, các tiêu chuẩn xã hội tối thiểu trong EU và trái phiếu chung châu Âu (Eurobond).

Phát biểu trên tờ Bild (Hình ảnh), Thứ trưởng Tài chính Đức Jens Spahn nói rằng cả khu vực Eurozone lẫn nước Pháp đang phải chịu nợ nần quá nhiều.

Trong khi đó, Chủ tịch đảng Dân chủ tự do Đức (FDP), ông Christian Lindner cho rằng Pháp không giải quyết được các vấn đề, đặc biệt là cải cách kinh tế và "chúng tôi hy vọng với ông Macron, chúng ta sẽ không để có nhiều khoản nợ hơn mức cho phép."

Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK) cũng thể hiện quan điểm tương tự. Chủ tịch DIHK, ông Eric Schweitzer bày tỏ quan điểm trên tờ Rheinische Post rằng sẽ không có bất kỳ sự "cộng hưởng" trách nhiệm từ các khoản nợ.

Theo ông Schweitze, điều này sẽ làm suy yếu Đức và châu Âu vì các nhà đầu tư vốn và những người gửi tiết kiệm có thể mất niềm tin vào đồng euro.

Lãnh đạo nhóm Đảng Nhân dân châu Âu trong Nghị viện châu Âu, ông Manfred Weber nhận định, ông Macron trước tiên phải chứng minh bản thân ở đất nước của mình.

Một chính trị gia thuộc đảng Liên minh Xã hội Cơ đốc giáo (CSU) trong liên minh cầm quyền tại Đức phát biểu trên tờ Rheinische Post rằng "ông Macron chỉ có thể yêu cầu cải cách ở châu Âu nếu ông ta chứng minh được đất nước của ông ta có khả năng cải cách"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.