Giới chức Đức lo ngại bất ổn an ninh do làn sóng người tị nạn

Giới chức Đức bày tỏ lo ngại bất ổn an ninh do khủng hoảng người tị nạn, kêu gọi chính phủ đẩy nhanh hơn nữa công tác xét duyệt hồ sơ tị nạn.
Giới chức Đức lo ngại bất ổn an ninh do làn sóng người tị nạn ảnh 1Chuẩn bị để đón người tị nạn tại Đức. (Nguồn: EPA)

Báo Thế giới Chủ nhật của Đức ngày 25/10 đưa tin, các cơ quan an ninh nước này ngày càng tỏ thái độ phê phán chính sách đối với người tị nạn của Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo báo trên, Cơ quan tình báo nội địa (Cục Bảo vệ Hiến pháp - BfV), Cơ quan tình báo nước ngoài (Cục Tình báo liên bang - BND), Cục Hình sự liên bang (BKA) và Cơ quan cảnh sát liên bang đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình an ninh nội địa tại Đức.

Một quan chức hàng đầu về an ninh của Đức cho rằng dòng người từ khắp nơi trên thế giới đổ vào Đức đã dẫn tới những bất ổn ở nước này. Theo một tài liệu, giới chức an ninh nước này không thể giải quyết được những vấn đề an ninh phát sinh do nhập cư (như chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, chủ nghĩa bài Do thái Arab, xung đột dân tộc và sắc tộc của người dân...) cũng như những phản ứng phát sinh của người dân Đức liên quan tình trạng nhập cư vào nước này.

Nhiều chính trị gia nội vụ Đức cho rằng tình hình tại các địa phương ở Đức còn phức tạp hơn nữa, đồng thời kêu gọi cảnh sát liên bang nên đưa người tị nạn tới khu vực biên giới nếu những người này đến từ các nước "an toàn", tức là không được hưởng quy chế tị nạn.

Trong khi đó, Thủ hiến bang Bayern, ông Horst Seehofer - Chủ tịch đảng Liên minh Xã hội cơ đốc giáo (CSU), đảng liên kết với đảng Liên minh Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel, đã cảnh báo về nguy cơ chia rẽ khối liên minh giữa hai đảng bảo thủ trong trường hợp chính sách tị nạn hiện nay không thay đổi.

Phát biểu tại một cuộc họp, ông Seehofer nói: "Nếu chính sách tị nạn hiện nay không được sửa đổi, thì vấn đề sẽ liên quan tới sự tồn tại của CDU và CSU". Ông cũng kêu gọi chính phủ liên bang phải lập tức giới hạn dòng người di cư, đẩy nhanh hơn nữa công tác xét duyệt hồ sơ tị nạn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.