Giới chức Đức ủng hộ đề xuất của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về việc tổ chức đàm phán với Nga vào ngày 12/1/2022, đồng thời kỳ vọng Moskva sẽ chấp thuận lời mời này.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức Andrea Sasse ngày 27/12 nhấn mạnh: "Chúng tôi hoan nghênh lời mời của Tổng thư ký (Stoltenberg) vào ngày 12/1. Chúng tôi hoan nghênh sáng kiến này và hy vọng phía Nga sẽ chấp nhận lời mời."
Trong khi đó, Phó phát ngôn Chính phủ Đức Wolfgang Buechner cho biết nước này chờ đợi các cuộc đàm phán sắp tới, bởi đó cũng là sự kiện ngoại giao kỳ vọng của Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Về phía Nga, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Alexander Fomin ngày 27/12 cho biết bộ này đang chờ phản ứng của NATO đối với những đề xuất của Moskva về bảo đảm an ninh và sẵn sàng bắt đầu đàm phán vào bất kỳ thời điểm nào thuận tiện.
[Nga và Mỹ ấn định thời gian hội đàm về kiểm soát vũ khí hạt nhân]
Phát biểu tại buổi tiếp các nhà ngoại giao và tùy viên quân sự của các Đại sứ quán nước ngoài tại Moskva, trong đó có đại diện 14 nước thành viên NATO, ông Fomin nhấn mạnh Nga hy vọng cuộc đàm phán sẽ diễn ra nghiêm túc và mang tính xây dựng, đồng thời tin tưởng rằng thỏa thuận về đảm bảo an ninh sẽ đáp ứng những lợi ích của cả Nga và châu Âu.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg mới đây đã quyết định triệu tập cuộc họp Hội đồng NATO-Nga vào ngày 12/1/2022. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng NATO sẽ không bao giờ thỏa hiệp về vấn đề Ukraine, cũng như quyền của các nước thành viên NATO trong việc bảo vệ các đồng minh của họ.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 24/12 xác nhận rằng Moskva đã nhận được đề nghị của NATO về cuộc họp Hội đồng Nga-NATO.
Quan chức ngoại giao này cũng tái khẳng định Moskva sẵn sàng đối thoại trực tiếp về những đề xuất an ninh nhằm ngăn NATO mở rộng hoạt động về phía Đông và triển khai vũ khí gần biên giới Nga. Bà Zakharova nhấn mạnh đây sẽ là những vấn đề vô cùng quan trọng đối với Nga trong các cuộc đàm phán sắp tới với NATO.
Hôm 17/12, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố hai bản dự thảo thỏa thuận về bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý với Mỹ và NATO, theo đó Nga muốn loại trừ mọi kế hoạch mở rộng hoạt động của NATO về phía Đông châu Âu, trước hết là ở Ukraine, mà Moskva cho là có nguy cơ đe dọa an ninh Nga./.