Ngày 15/1, giới chức Liên minh châu Âu (EU) đã đề xuất xóa 8 nước và vùng lãnh thổ khỏi "danh sách đen" gồm 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài EU bị cho là các “thiên đường thuế.”
Theo Reuter, các nước và vùng lãnh thổ dự kiến được xóa tên là Panama, Hàn Quốc, Barbados, Grenada, Macao (Trung Quốc), Mông Cổ, Tunisia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Giới chức EU đã đề xuất đưa 8 nước và vùng lãnh thổ trên khỏi danh sách này sau khi chính quyền sở tại cam kết sẽ thay đổi các quy định về thuế.
Dự kiến các đại sứ EU sẽ thảo luận về đề xuất này trong một cuộc gặp ngày 17/1, sau đó đề xuất sẽ được các bộ trưởng tài chính EU thông qua vào tuần tới khi nhóm họp tại Brussels, Bỉ.
Trước đó, đầu tháng 12 năm ngoái, các bộ trưởng tài chính của EU đã thông qua một "danh sách đen" gồm 17 nước và vùng lãnh thổ ngoài là các "thiên đường trốn thuế."
Danh sách này gồm Samoa và Guam (Mỹ) ở Thái Bình Dương, Bahrain, Barbados, Grenada, Hàn Quốc, Macau (Trung Quốc), Cộng hòa Quần đảo Marshall, Mông Cổ, Namibia, Palau, Panama, Saint Lucia, Samoa, Trinidad & Tobago, Tunisia và UAE.
Ngoài ra, EU cũng đã lập một danh sách gồm 47 nước và thực thể bị coi là không đáp ứng các tiêu chuẩn về thuế của EU nhưng cam kết sẽ thay đổi.
Danh sách 17 "thiên đường thuế" là nỗ lực mới nhất của quốc tế nhằm giảm tình trạng trốn thuế - đang ngày càng bị coi là một vấn đề đạo đức - sau khi Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) biên soạn một danh sách gồm "các thiên đường thuế bất hợp tác."
Ý tưởng lập một danh sách chung của EU về các "thiên đường thuế" được khởi xướng từ tháng 4/2016, sau vụ rò rỉ "Hồ sơ Panama," trong đó Hiệp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) phanh phui một hệ thống trốn thuế quy mô toàn thế giới.
Hiện các nước EU vẫn chia rẽ về việc có nên áp trừng phạt tài chính đối với các nước nằm trong danh sách, hay danh sách này sẽ mang tính chỉ trích đơn thuần.
Một số nước, trong đó có Pháp, ủng hộ các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các "thiên đường thuế" bị liệt vào danh sách.
Các biện pháp đó có thể là không cho nước trong danh sách nhận tài trợ của EU và Ngân hàng Thế giới (WB).
Nhiều nước khác tỏ ý không muốn áp trừng phạt chung, mà cho rằng tốt hơn hết nên để các thành viên EU trừng phạt đơn phương./.